Đường dẫn truy cập

Vấn nạn không nhà


Apple là một trong những công ty có trụ sở tại Thung lũng Điện tử ở San Jose.
Apple là một trong những công ty có trụ sở tại Thung lũng Điện tử ở San Jose.

Mỗi khi mùa đông về với mưa gió lạnh lẽo, thân phận kẻ không nhà lại được chú ý đến nhiều hơn. Trước dự báo thời tiết nhiệt độ sẽ xuống đến mức đông đá, chính quyền địa phương và các cơ quan tôn giáo, xã hội tìm phương tiện đưa những kẻ không nhà vào bên dưới một mái che để tránh cái lạnh có thể gây chết người.

Nhưng từ nhiều năm qua, đi tìm một giải pháp lâu dài cho vấn nạn người vô gia cư không phải dễ dàng. Nhiều thành phố lớn ở Mỹ, nhất là ở những tiểu bang ven biển của miền tây Hoa Kỳ vẫn có nhiều người sống lang thang trên đường phố, trong những ngõ ngách, không một mái nhà che thân.

Vùng Vịnh San Francisco cũng đang phải đối đầu với vấn nạn đó. Trên đường phố ở San Francisco, San Jose, Oakland vào những buổi sáng có nhiều người không nhà co ro trong đống mùng mền trên vỉa hè, hay còn đang ngủ trong lều dựng ở một góc dưới xa lộ là nơi khô ráo và ấm nhất vì che được mưa bão.

Số người vô gia cư ở San Francisco ước chừng hơn 6 nghìn. Khi được hỏi nguyên do phải ra đường sống, nhiều người đã từng phát biểu rằng họ phải sống lang thang vì không còn khả năng trả tiền thuê nhà quá cao. Mới đây một trung tâm dịch vụ giúp người không nhà và một dự án tân trang khu gia cư để cung cấp nhà giá rẻ cho người vô gia cư đã được mở ra. Dự án này được chính phủ liên bang chú ý tới vì coi đó là tiến bộ trong cách làm giảm số người phải sống lang thang trên đường phố San Francisco.

Theo một báo cáo của chính phủ liên bang, số người vô gia cư đông nhất ở New York, Los Angeles, Seattle, San Diego. Quận hạt Santa Clara, là khu vực San Jose, đứng thứ 5 với số người không nhà gần 7 nghìn.

Riêng San Jose có chừng 4 nghìn người vô gia cư. Cũng vì giá thuê nhà quá cao mà sau khi mất việc nhiều người phải sống lang thang vì không thể trả nổi tiền nhà với mức trung bình 3 nghìn đô một tháng.

Đôi năm trước, chính quyền thành phố San Jose đã dẹp khu vực sống tập thể của cả nghìn người vô gia cư tụ tập dọc theo một con rạch. Một số người được cấp thẻ trợ cấp tìm chỗ ở để có thể sống tạm trong một thời gian, chờ có cơ hội tìm việc hoặc được trợ cấp của chính phủ để trở về đời sống bình thường. Nhiều người không biết đi đâu nên lại lang thang ngủ vỉa hè và ngay cả ở phía sau tòa thị chính.

Cách đây mấy hôm, thành phố San Jose đã có quyết định sẽ chọn một khu đất để những người không nhà có thể tụ tập về đó sinh sống cho được an ninh hơn. Khu đó sẽ ở chỗ nào thành phố chưa quyết định.

Thành phố Seattle của tiểu bang Washington đã cho phép dựng khu lều trại cho kẻ không nhà, sau khi mấy chục người sống lang thang bị chết vì thời tiết cũng như vì an ninh. Đây cũng là một giải pháp mới cho San Jose, sau nhiều cố gắng đưa ra phương án giúp 4 nghìn người vô gia cư đang sống lang thang trong thành phố để họ có một chỗ tạm cư yên ổn, thay vì nay cắm lều chỗ này, bị đuổi lại phải tìm chỗ cắm lều sống tạm ở chỗ khác.

San Jose là thủ đô của Thung lũng Điện tử. Quanh đây có trụ sở của Apple, Yahoo, Facebook, Google và nhiều công ty điện tử khác. Bên cạnh đó là vô số những công ty nho nhỏ với những phát minh công nghệ đang nằm chờ được giới tư bản bỏ tiền vào đầu tư để phất lên hay để được một công ty lớn mua lại.

Thung lũng Điện tử bao gồm các thành phố San Jose, Santa Clara, Sunnyvale có lương trung bình cho một công nhân ngành sản xuất cao nhất nước Mỹ, 145 nghìn đô một năm, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Brookings đưa ra năm 2012.

Bên cạnh đó là vùng San Francisco, Oakland, Freemont có mức lương sản xuất cao thứ ba trên toàn nước Mỹ, 92 nghìn đô một năm. Đứng nhì là vùng Bridgeport của tiểu bang Connecticut với 95 nghìn đô một năm.

Hai khu vực đứng nhất và thứ ba về mức lương cao ở Mỹ nằm trong vùng Vịnh San Francisco. Nhưng nơi đây cũng được biết đến là những thành phố có đông người vô gia cư sinh sống. Du khách đến San Francisco, Oakland hay San Jose thường thấy những người vô gia cư sống lang thang bên lề đường. So sánh với các nước Bắc Âu hay với Úc và Canada, đây là một sự bất công, một nét không đẹp của xã hội Mỹ.

Ở vùng San Jose, vấn nạn người không nhà là hệ quả của việc chính phủ để những nhà đầu tư địa ốc phát triển những khu nhà sang trọng, giá bạc triệu, cùng lúc đẩy giá nhà trong khu vực tăng nhanh hơn mức lương của những công nhân làm việc tay chân. Thêm vào đó là sự kiện người nước ngoài, trong đó có nhiều người từ Trung Quốc và Việt Nam, đem tiền mặt qua đây đầu tư vào địa ốc khiến giá nhà tăng nhanh quá độ.

Một nghiên cứu của chính phủ cho biết, San Jose với một triệu cư dân, hiện cần 16 nghìn căn hộ với giá vừa túi tiền cho những công nhân bình thường, những người với lợi tức chừng 50 nghìn đô một năm, không cao như những người làm trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay tài chánh với mức lương trên 100 nghìn.

Không giải quyết được vấn đề nhà ở cho dân là thất bại của những người làm chính sách tại Hoa Kỳ khiến vấn nạn người vô gia cư ngày càng trở nên trầm trọng.

Nhật báo San Jose Mercury News hôm 7/12/2015, trong bài viết về quyết định của hội đồng thành phố chấp thuận thành lập một khu lều trại cho người vô gia cư có kèm tấm ảnh với hai người không nhà dựng lều ngủ ngay sân sau tòa thị chính, trong đó có một người Việt tên Tam Nguyen.

Không biết trong số người không nhà quanh vùng Vịnh San Francisco có bao nhiêu người Việt. Tôi tin là không nhiều vì người mình nếu kẹt tài chánh lắm cũng có thể xin trợ cấp xã hội, tìm một chỗ “share phòng” là cũng có nơi nghỉ lưng khi đêm về. Ban ngày đến nơi cung cấp những bữa ăn miễn phí là cũng tạm đủ no.

Cách đây mấy năm, không hiểu có những suy nghĩ gì và muốn giúp gì cho người vô gia cư ở vùng Vịnh San Francisco, Tổng Lãnh sự Việt Nam Lê Quốc Hùng vào dịp Tết Canh Dần 2010 đã đi thăm và tặng quà cho một số người Việt vô gia cư ở San Jose. Ông cho đó là công tác nằm trong việc tiếp xúc và tạo quan hệ tốt đẹp với mọi thành phần người Việt sinh sống ở nước ngoài, từ trí thức, thương gia đến người nghèo và cả người không nhà.

Báo chí trong nước đã đưa tin kèm hình ảnh về chuyến viếng thăm của nhà ngoại giao Việt Nam, chắc là để dân trong nước biết xã hội Mỹ cũng có nhiều người khổ lắm, chứ chẳng phải thiên đường gì đâu mà nhiều người Việt cứ mơ ước.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG