Từ lúc đọc tác phẩm Nhánh rong phiêu bạt của nhà văn, nhà giáo Võ Hồng, một tác phẩm được dùng làm phần thưởng trong các kỳ thi Đố vui để học cho học sinh trước năm 1975, Thúy không còn thấy tên mình chỉ là thị Thúy, cụt ngủn, bình dân; không đẹp như Quỳnh Hoa, Thu Vân, Thanh Thủy..., không kiêu sa như Tố Nga, Đài Trang, Huyền Trân...Mà ngược lại Thúy tự hào là tên mình đã được nhà văn Võ Hồng đưa vào văn học sử qua Nhánh rong phiêu bạt.
Nhân vật chính của Nhánh rong phiêu bạt cũng tên Lê Thị Thúy, cũng 12 tuổi như chúng tôi lúc đó, vào những ngày cuối của chiến tranh.
Không phải mỗi Thúy, cũng xinh đẹp, cũng con nhà giàu như nhân vật Lê Thị Thúy, mà cả lớp đều mơ có ngày được gặp và nghe nhà văn Võ Hồng dạy dỗ như ông đã từng dạy nhiều thế hệ ở các trường Trung học ở Nha Trang.
Ước mơ nhỏ nhoi, rất dễ thực hiện vì nhà văn Võ Hồng, thuộc thế hệ của ông bà chúng tôi, ở đường Hồng Bàng, một con đường nhỏ, yên tỉnh, gần biển Nha Trang. Vậy mà vĩnh viễn chẳng bao giờ đạt được.
Hồi đó, chúng tôi đạp xe đi qua, đi lại nhà ông ít nhất là mỗi tháng một lần, cả chục cặp mắt cùng nhìn vào cổng nhà ông. Căn nhà nhỏ ẩn mình sau hàng rào hoa tóc tiên như một tấm lá chắn thiên nhiên che chở bảo vệ nhà văn trước một xã hội đảo lộn sau tháng 4 năm 1975.
Một vài lần chúng tôi dừng xe trước cổng nhà ông, định kéo chuông gọi ông như mấy chữ ghi bằng sơn đen trên một tấm thiếc nhỏ bằng nửa cuốn sách treo lủng lẳng bên lề cổng "kéo dây gọi Võ Hồng". Miếng thiếc được treo bằng một sợi dây dù chạy từ cái cổng nhỏ bò qua những nhánh cây lêkima vào đến cửa sổ nhà; đầu dây bên kia là 3 cái lon sữa bò rỗng cột vào nhau.
Nhiều lần như vậy, nhưng chưa lần nào chúng tôi dám "kéo dây gọi Võ Hồng" vì nếu có hân hạnh được ông cho vào nhà, cũng chỉ chào mà không biết nói chuyện gì với một nhà giáo, nhà văn kỳ cựu đáng tuổi ông ngoại của mình.
Văn phong của Võ Hồng là ngôn ngữ của một nhà giáo. Dưới cả hai thể loại truyện ngắn và truyện dài, ông gởi những lời khuyên của một nhà mô phạm đến độc giả. Có những chuyện ngắn về khu rừng với đủ muôn thú sư tử, cọp, nai, sóc… người đọc thấy rõ xã hội loài người với đủ cá tính, đủ trình độ. Có một truyện ngắn về cỏ và cây, nhưng người đọc thấy rõ cây bách tùng được ông gởi gắm hình ảnh một người lãnh đạo, cây chùm rụm (chùm ruột?) mang tính cách của một công dân bình thường lặng lẽ góp phần xây dựng đất nước...
Truyện ngắn "Vĩnh biệt cây trứng cá" lấy được những giọt nước mắt của tôi. Câu chuyện rất đơn giản: có một cậu bé lớn lên cùng với cây trứng cá, một loại cây rất sai trái ăn không ngon nhưng trái non màu xanh có thể làm đồ chơi cho trẻ con. Tuổi thơ của cậu bé êm đềm bình yên dưới bóng mát to rộng của cây trứng cá. Cây trứng cá chứng kiến cậu lớn lên với một tuổi thơ bình yên, hạnh phúc; như một chứng nhân, một người bạn trung thành của cậu. Lúc cây trứng cá bị đốn đi, cậu âm thầm khóc như mất đi một người thân. Tôi mê nhất truyện này vì chừng như nhà văn nghe tôi kể lại tâm trạng khi tôi chia tay với cây trứng cá, rồi giúp tôi trải lòng trên trang sách. Còn hơn thế, tuổi thơ hạnh phúc với bóng râm của cây trứng cá với bóng mát chở che của Ba Mẹ luôn luôn nằm trong lòng tôi mặc dù tôi đã phải vĩnh biệt cả Ba lẫn cây trứng cá.
Mỗi một truyện ngắn của ông trang trải nỗi lòng tâm sự của ai đó. Có lẽ vì vậy ai đã từng đọc qua một tuyển tập truyện ngắn của Võ Hồng đều thấy NHÀ VĂN rất tinh tế và mặc dù chỉ sống trong góc một căn phòng nhỏ nằm trên đường Hồng Bàng ở Nha Trang, ông đã viết giùm được tâm trạng của cả người Việt trong nước lẫn người Việt lưu vong.
Ngẫu nhiên, ông đã tài tình thấy được Lê Thị Thúy của chúng tôi sẽ trở thành Nhánh rong phiêu bạt. Chỉ có khác là "nhánh rong" trên trang sách của Võ Hồng phiên bạt từ tuổi 12 và chấm dứt phiêu bạt trong vòng vài năm. Nhánh rong của chúng tôi, và cả chính tôi, cùng cả triệu người Việt Nam trở thành những "nhánh rong phiêu bạt" cả nhiều thập niên, không biết đến bao giờ mới hết đời phiêu bạt?
Võ Hồng không chỉ thành công trong vai trò một nhà văn, mà những tác phẩm để lại của ông sẽ làm cho Thầy Võ Hồng là một nhà giáo có đông học trò nhất. Không một hội cựu học sinh sinh viên nào lưu lạc ở ngoại quốc không biết đến tự truyện Nửa chữ cũng Thầy của Võ Hồng. Và đã theo gương ông, theo những lời dạy của của ông trải dài trên những trang sách. Ngày nào nhà văn Võ Hồng còn có thêm độc giả, ngày đó nhà giáo Võ Hồng còn có thêm học trò mới.
Cuối tháng 3 năm nay chia tay ông, văn học Việt Nam mất đi một nhà văn mô phạm và chúng tôi mất đi một bậc thầy khả kính trong văn học lẫn đời sống.
Santa Clara, tháng 4/2013
Nguyễn Trần Diệu Hương
Nhân vật chính của Nhánh rong phiêu bạt cũng tên Lê Thị Thúy, cũng 12 tuổi như chúng tôi lúc đó, vào những ngày cuối của chiến tranh.
Không phải mỗi Thúy, cũng xinh đẹp, cũng con nhà giàu như nhân vật Lê Thị Thúy, mà cả lớp đều mơ có ngày được gặp và nghe nhà văn Võ Hồng dạy dỗ như ông đã từng dạy nhiều thế hệ ở các trường Trung học ở Nha Trang.
Ước mơ nhỏ nhoi, rất dễ thực hiện vì nhà văn Võ Hồng, thuộc thế hệ của ông bà chúng tôi, ở đường Hồng Bàng, một con đường nhỏ, yên tỉnh, gần biển Nha Trang. Vậy mà vĩnh viễn chẳng bao giờ đạt được.
Hồi đó, chúng tôi đạp xe đi qua, đi lại nhà ông ít nhất là mỗi tháng một lần, cả chục cặp mắt cùng nhìn vào cổng nhà ông. Căn nhà nhỏ ẩn mình sau hàng rào hoa tóc tiên như một tấm lá chắn thiên nhiên che chở bảo vệ nhà văn trước một xã hội đảo lộn sau tháng 4 năm 1975.
Một vài lần chúng tôi dừng xe trước cổng nhà ông, định kéo chuông gọi ông như mấy chữ ghi bằng sơn đen trên một tấm thiếc nhỏ bằng nửa cuốn sách treo lủng lẳng bên lề cổng "kéo dây gọi Võ Hồng". Miếng thiếc được treo bằng một sợi dây dù chạy từ cái cổng nhỏ bò qua những nhánh cây lêkima vào đến cửa sổ nhà; đầu dây bên kia là 3 cái lon sữa bò rỗng cột vào nhau.
Nhiều lần như vậy, nhưng chưa lần nào chúng tôi dám "kéo dây gọi Võ Hồng" vì nếu có hân hạnh được ông cho vào nhà, cũng chỉ chào mà không biết nói chuyện gì với một nhà giáo, nhà văn kỳ cựu đáng tuổi ông ngoại của mình.
Văn phong của Võ Hồng là ngôn ngữ của một nhà giáo. Dưới cả hai thể loại truyện ngắn và truyện dài, ông gởi những lời khuyên của một nhà mô phạm đến độc giả. Có những chuyện ngắn về khu rừng với đủ muôn thú sư tử, cọp, nai, sóc… người đọc thấy rõ xã hội loài người với đủ cá tính, đủ trình độ. Có một truyện ngắn về cỏ và cây, nhưng người đọc thấy rõ cây bách tùng được ông gởi gắm hình ảnh một người lãnh đạo, cây chùm rụm (chùm ruột?) mang tính cách của một công dân bình thường lặng lẽ góp phần xây dựng đất nước...
Truyện ngắn "Vĩnh biệt cây trứng cá" lấy được những giọt nước mắt của tôi. Câu chuyện rất đơn giản: có một cậu bé lớn lên cùng với cây trứng cá, một loại cây rất sai trái ăn không ngon nhưng trái non màu xanh có thể làm đồ chơi cho trẻ con. Tuổi thơ của cậu bé êm đềm bình yên dưới bóng mát to rộng của cây trứng cá. Cây trứng cá chứng kiến cậu lớn lên với một tuổi thơ bình yên, hạnh phúc; như một chứng nhân, một người bạn trung thành của cậu. Lúc cây trứng cá bị đốn đi, cậu âm thầm khóc như mất đi một người thân. Tôi mê nhất truyện này vì chừng như nhà văn nghe tôi kể lại tâm trạng khi tôi chia tay với cây trứng cá, rồi giúp tôi trải lòng trên trang sách. Còn hơn thế, tuổi thơ hạnh phúc với bóng râm của cây trứng cá với bóng mát chở che của Ba Mẹ luôn luôn nằm trong lòng tôi mặc dù tôi đã phải vĩnh biệt cả Ba lẫn cây trứng cá.
Mỗi một truyện ngắn của ông trang trải nỗi lòng tâm sự của ai đó. Có lẽ vì vậy ai đã từng đọc qua một tuyển tập truyện ngắn của Võ Hồng đều thấy NHÀ VĂN rất tinh tế và mặc dù chỉ sống trong góc một căn phòng nhỏ nằm trên đường Hồng Bàng ở Nha Trang, ông đã viết giùm được tâm trạng của cả người Việt trong nước lẫn người Việt lưu vong.
Ngẫu nhiên, ông đã tài tình thấy được Lê Thị Thúy của chúng tôi sẽ trở thành Nhánh rong phiêu bạt. Chỉ có khác là "nhánh rong" trên trang sách của Võ Hồng phiên bạt từ tuổi 12 và chấm dứt phiêu bạt trong vòng vài năm. Nhánh rong của chúng tôi, và cả chính tôi, cùng cả triệu người Việt Nam trở thành những "nhánh rong phiêu bạt" cả nhiều thập niên, không biết đến bao giờ mới hết đời phiêu bạt?
Võ Hồng không chỉ thành công trong vai trò một nhà văn, mà những tác phẩm để lại của ông sẽ làm cho Thầy Võ Hồng là một nhà giáo có đông học trò nhất. Không một hội cựu học sinh sinh viên nào lưu lạc ở ngoại quốc không biết đến tự truyện Nửa chữ cũng Thầy của Võ Hồng. Và đã theo gương ông, theo những lời dạy của của ông trải dài trên những trang sách. Ngày nào nhà văn Võ Hồng còn có thêm độc giả, ngày đó nhà giáo Võ Hồng còn có thêm học trò mới.
Cuối tháng 3 năm nay chia tay ông, văn học Việt Nam mất đi một nhà văn mô phạm và chúng tôi mất đi một bậc thầy khả kính trong văn học lẫn đời sống.
Santa Clara, tháng 4/2013
Nguyễn Trần Diệu Hương