Đường dẫn truy cập

Vận động viên Mỹ không chào cờ để phản đối bất cập xã hội


Trung phong của đội San Francisco 49ers Colin Kaepernick (áo số 7) đã không đứng lên chào cờ trước trận đấu tại San Francisco ngày 26 tháng 8 vừa qua.
Trung phong của đội San Francisco 49ers Colin Kaepernick (áo số 7) đã không đứng lên chào cờ trước trận đấu tại San Francisco ngày 26 tháng 8 vừa qua.

Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ NFL mở đầu mùa bóng tại các thành phố trên toàn nước Mỹ vào ngày thứ Năm 8 tháng 9 vừa qua.

Người hâm mộ reo mừng chào đón các đội và các cầu thủ được ưa chuộng. Tuy nhiên nhiều người cũng chú ý tới những gì xảy ra trước trận đấu.

Nữ ca sĩ Lady Gaga hát quốc ca Mỹ trước khi trận đấu tranh Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ lần thứ 50 bắt đầu.

Quốc ca Mỹ, bài “The Star-Spangled Banner,” (tạm dịch là Lá cờ Lấp lánh Sao) được hát trước nhiều sinh hoạt thể thao tại Mỹ. Đây là một tập tục đã có cách đây khoảng 100 năm.

Trong hầu hết các trường hợp, những người hâm mộ và các đấu thủ đứng lên, nhìn về phía lá cờ và hát theo lời bài hát.

Tuy nhiên mới đây, một cầu thủ đã không làm như vậy.

Cầu thủ Colin Kaepernick, trung phong ném bóng của đội San Francisco 49ers không đứng lên chào cờ trước trận đấu tại San Francisco ngày 26 tháng 8 vừa qua. Đây chỉ là một trận đấu biểu diễn. Kết quả không được tính để xếp hạng các đội tranh tài.

Trả lời tại một cuộc họp báo sau trận đấu với đội Green Bay Packers trước khi mùa Bóng Bầu dục Quốc gia Mỹ bắt đầu, Colin Kaepernick cho biết ông không đứng lên chào cờ như là một hình thức phản kháng. Ông nói ông chống lại cách thức người da đen và người da màu bị đối xử tại Mỹ.

Ông đề cập đến việc cảnh sát giết những người Mỹ gốc châu Phi không vũ trang. Ông nói ‘đã có xác người trên phố và nhiều người không bị xét xử về tội giết người.’

Trung phong Colin Kaepernick:

“Tôi nói chuyện với nhiều người và trong cộng đồng, tôi đã thấy những chuyện như vậy, tôi đã nghe những chuyện như vậy, giờ đây tôi phải làm sao để tối đa hóa những gì có thể trong khả năng của mình hầu giúp họ.”

Công chúng có phản ứng lẫn lộn về hành động của Kaepernick.

Thông tấn xã AP phỏng vấn hai người hâm mộ tại trận đấu giữa đội San Francisco 49ers và đội San Diego Chargers vào tuần lễ sau đó.

Ông Leo Uzcategui là một cựu chiến binh Hải quân Mỹ. Ông nói ông không vui khi thấy Kaepernick.

Ông Uzcategui cho biết ông hiểu quyền của Kaepernick bày tỏ quan điểm của mình, nhưng ông bác bỏ cách thức cầu thủ này thể hiện.

Ông Uzcategui nói với AP rằng: “Tôi đã phục vụ trong Hải quân và tôi đã thấy những nam nữ quân nhân đã đổ máu và hy sinh cho lá cờ này… bạn không được ngồi trong lúc cử hành quốc ca, làm vậy là không đúng.”

Một người hâm mộ bóng bầu dục khác là cô Domenique Bank. Cô đã được Kaepernick ký vào áo để làm kỷ niệm.

Cô Bank cho biết: “Tôi nói với Kaepernick rằng tôi cảm kích điều ông đang bênh vực. Hầu hết những người tôi có dịp nói chuyện đều nói như vậy. Tôi không thích việc ông không đứng dậy khi chào cờ, nhưng tôi cảm kích điều ông ấy đang bênh vực.”

Trung phong Colin Kaepernick (giữa) quỳ gối trong lễ chào cờ, ngày 1 tháng 9 năm 2016.
Trung phong Colin Kaepernick (giữa) quỳ gối trong lễ chào cờ, ngày 1 tháng 9 năm 2016.

Tổng thống Barack Obama nói về hành động của trung phong Colin Kaepernick trong chuyến đi thăm châu Á mới đây rằng:

“Theo tôi hiểu thì ít nhất Kaepernick cũng đang hành xử quyền hiến định bày tỏ quan điểm của mình. Trong lịch sử lâu dài của thể thao cũng có nhiều người làm như vậy. Theo tôi, có nhiều cách bạn có thể thể hiện. Về phương diện tổng quát, khi nói về quốc kỳ và quốc ca và ý nghĩa của hai yếu tố này đối với các nam và nữ quân nhân của chúng ta, những người chiến đấu cho chúng ta, thì đây quả là một vấn đề khó chấp nhận để hiểu những quan tâm sâu sắc của Kaepernick đằng sau đó là gì. Tôi không nghi ngờ sự chân thật của ông căn cứ vào những gì tôi được nghe. Tôi nghĩ ông ấy quan tâm đến một số vấn đề chính đáng cần phải được bàn thảo, và nếu không có gì khác hơn, thì chính hành động ông ấy làm đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận hơn chung quanh một số vấn đề cần được nói đến.”

Tổng thống Obama nói tiếp:

“Bạn từng nghe tôi nói về việc chúng ta cần có những công dân năng động. Đôi khi những vấn đề lộn xộn và gây tranh cãi làm nhiều người giận giữ và bất bình, nhưng tôi thích có nhiều người trẻ tham gia cuộc tranh luận và tìm cách góp phần vào tiến trình dân chủ hơn là những người chỉ ngồi bên lề và không để ý đến việc gì cả.”

Những cầu thủ khác thuộc NFL và vận động viên các môn thể thao khác cho biết họ ủng hộ Kaepernick.

Nữ cầu thủ bóng đá Mỹ Megan Rapinoe cũng đồng hành với cách phản kháng của ông Kaepernick.

Cô Rapinoe là cầu thủ bóng đá của đội tuyển Mỹ. Cô không đứng lên chào cờ trước trận đấu ngày 4 tháng 9 vừa qua.

Cô Rapinoe nói cô muốn chứng tỏ sự ủng hộ đối với ông Kaepernick. Cô cũng cho biết là cô cảm thấy các quyền tự do cá nhân của cô không luôn luôn được bảo vệ vì cô là người đồng tính luyến ái.

Trung phong của đội San Francisco 49ers Colin Kaepernick.
Trung phong của đội San Francisco 49ers Colin Kaepernick.

Có phải sự phản kháng của Kaepernick chỉ là một phần của khuynh hướng này hay không? Dường như các vận động viên nay đang lên tiếng một cách tự do hơn về các vấn đề xã hội so với những năm gần đây.

Vận động viên Fayisa Lilesa đoạt được huy chương bạc trong cuộc đua marathon tại Thế vận hội Rio. Ông phản đối việc Ethiopia đối xử với người Oromo.

Vào ngày chót của Thế vận hội Rio de Janeiro, vận động viên chạy đường dài người Ethiopia, Feyisa Lilesa, đoạt huy chương bạc môn marathon. Khi vượt qua đích đến, ông đã đưa chéo hai cánh tay thành hình chữ X phía trên đầu để phản đối chính phủ Ethiopia giết hại người Oromo.

Tổ chức Human Rights Watch tố cáo có hơn 400 nhà hoạt động Oromo bị giết trong năm ngoái. Người Oromo đã dùng dấu hiệu chữ X để phản đối. Chính phủ Ethiopia nói Human Rights Watch đã thổi phồng con số người chết.

Ông Lilesa nói với các phóng viên là ông sẽ bị trừng phạt nếu trở về Ethiopia. Tuy nhiên chính phủ nước này cho biết ông sẽ được chào đón như một người hùng.

Các ngôi sao bóng rổ Mỹ LeBron James, Carmelo Anthony, Dwyane Wade và Chris Paul gần đây cũng lên tiếng về chuyện phản kháng của các vận động viên. Họ nói những vận động viên chuyên nghiệp nên lên tiếng khi bức xúc trước những điều trong xã hội.

Đấu thủ LeBron James nói là “tất cả chúng ta phải làm tốt hơn.”

Cầu thủ phòng vệ Ricky Jean-Francois của đội Washington Redskins nói với Đài VOA rằng ông đồng ý là các vận động viên không nên im lặng:

“Từ ngày này sang ngày khác, chúng ta nói về thay đổi. Tuy nhiên nếu không ai nói lên quan điểm của mình, hay không ai hành động, thì chúng ta hét vào mặt nhau hàng ngày và không có gì được thi hành cả. Do đó hiện nay như bạn có thể thấy, chậm nhưng chắc, mọi sự đang thay đổi, mọi việc đang được đánh động để mọi người chú ý đến, không còn bị gạt phăng qua một bên nữa, mọi sự sẽ thay đổi.”

Ông John Carlos là một cựu vận động viên điền kinh Olympic và là một cầu thủ bóng bầu dục nhà nghề. Ông đoạt được huy chương bạc môn chạy 200 mét tại Thế vận hội mùa Hè năm 1968 và kiểu chào đưa tay lên với bàn tay mang găng đen của ông, biểu tượng của phong trào Black Power trên bục nhận huy chương cùng với đồng đội là vận động viên Tommie Smith đã gây nên nhiều tranh cãi chính trị.

Ông Carlos nói:

“Năm 1968 chúng tôi không ném bom vào ai cả, trung phong Colin hiện giờ cũng không ném bom vào ai cả. Họ đứng về một bên hoặc siết chặt tay nhau, họ không ném bom vào ai mà điều họ muốn nói là ‘Có việc không đúng và đã tới lúc chúng ta phải sửa chữa.’ Không phải đợi đến ngày mai, không phải sang năm, mà phải bắt đầu từ ngày hôm nay và xu hướng này đang gia tăng.”

Ông Lê Văn Quan, một cư dân gốc Việt ngụ tại thành phố Falls Church (bang Virginia) không đồng ý với thái độ của trung phong Kaepernick.

Ông nói:

“Tôi không đồng ý đây là quyền hiến định tại vì là công dân Mỹ phải tôn trọng quốc kỳ Mỹ. Tôi nghĩ là các quốc gia khác chứ không riêng gì Hoa Kỳ, chào cờ thì tất cả công dân Hoa Kỳ cũng phải đứng nghiêm, thứ nhất là tôn trọng quốc kỳ, thứ hai là tôn trọng đất nước đã nuôi nấng mình, đã cưu mang mình.”

Ông Vũ Bá Hoan, cư dân thành phố Annandale (bang Virginia), có nhận xét ôn hòa hơn:

“Theo tôi hành động phản đối nặng và xất xược là quay lưng lại không chào, còn quỳ xuống cũng là một hành động khiêm tốn, tuy tỏ thái độ không giống như người ta, nhưng đây là một thái độ không xất xược và tôn trọng vì đã quỳ xuống.”

Trung phong Kaepernick cho biết sẽ tặng 1 triệu đô la cho các tổ chức bênh vực nhân quyền. Ông cũng hứa sẽ hiến tặng doanh thu từ những chiếc áo thun có in tên của ông.

Chủ nhân đội San Francisco 49ers ông Jed York cũng loan báo đội của ông sẽ tặng 1 triệu đôla cho hai tổ chức địa phương hiện đang hoạt động để giải quyết sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế trong khu vực.

VOA Express

XS
SM
MD
LG