Theo các bản tin thì việc tin tặc đánh cắp hàng triệu hồ sơ nhân viên chính phủ Mỹ, và những cáo buộc cho rằng vụ tấn công này có thể xuất phát từ Trung Quốc sẽ đặt vấn đề an ninh mạng lên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung vào cuối tháng này.
Việc xâm nhập hệ thống máy vi tính của Văn phòng Quản trị Nhân viên được chính quyền Obama tiết lộ hôm thứ Năm nói rằng một con số kỷ lục lên đến 4 triệu hồ sơ cá nhân của cựu nhân viên và nhân viên liên bang hiện hành có thể đã bị đánh cắp.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Sáu cho biết các nhà điều tra “nhận thức được rằng mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc.”
Thông tấn xã AP trích lời dân biểu Jim Langevin, một tiếng nói hàng đầu tại Quốc hội về an ninh mạng cho rằng “Chúng tôi biết là cuộc tấn công diễn ra tại một nơi nào đó ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi không biết đó là một cá nhân, một nhóm hay một cuộc tấn công cấp nhà nước.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gọi những cáo buộc là “vô trách nhiệm” và nói Trung Quốc cũng là nạn nhân của những cuộc tấn công trên mạng.
Những cáo buộc về vai trò của Trung Quốc trong cuộc tấn công, bao gồm cả việc có thể do nhà nước bảo trợ, có thể làm tăng thêm mối căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Căng thẳng đã lên cao về sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc theo đuổi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Nam Hải.
Tin tặc cũng làm phát sinh những câu hỏi về việc Hoa Kỳ đáp ứng như thế nào nếu quả thật chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau những vụ tấn công trên mạng này.
Việc tiết lộ tin tặc được đưa ra trước cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ- Trung hàng năm được tổ chức từ ngày 22 đến 24 tháng 6 tại Washington D.C.
An ninh mạng được dự trù sẽ đứng hàng đầu trong nghị trình của cuộc đối thoại.
Các giới chức Mỹ nói những cuộc thảo luận sẽ được tiến hành như dự trù, cũng như kế hoạch của Tổng thống Barack Obama tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Washington vào mùa thu năm nay.
Thông tấn xã Reuters trích lời ông James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng “Trung Quốc đã nói một cách riêng tư và đôi lúc công khai là chúng tôi muốn hội nghị thượng đỉnh tiến hành tốt đẹp. ‘Đừng nói đến gián điệp, nhưng hãy nói về việc làm thế nào chúng ta có thể làm việc với nhau.’”
Ông Lewis nói thêm là “Có thể câu trả lời của Mỹ là ‘Không, chúng ta thảo luận về gián điệp’”
Đây không phải là lần đầu tiên cuộc tấn công trên mạng qui mô lớn được truy nguyên xuất phát từ Trung Quốc.
Tháng 7 năm ngoái, tờ New York Times trích lời các giới chức Mỹ không tiết lộ danh tánh cho biết các tin tặc Trung Quốc cũng bị qui trách là đã xâm nhập vào mạng lưới máy vi tính của Văn phòng Quản trị Nhân viên Mỹ hồi năm ngoái.
Trong năm 2014, FBI truy tố 5 sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc về tội phối hợp xâm nhập hệ thống máy vi tính của 6 công ty có trụ sở tại Mỹ như U.S. Steel và Alcoa.
Các giới chức Trung Quốc liên tục phủ nhận bất cứ liên hệ nào đối với những cuộc tấn công như vậy, nói rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ đưa ra những bằng chứng rõ rệt về những vụ tấn công mạng có nguồn gốc từ Bắc Kinh.
Ông Bruce Schneier, một chuyên gia về mật mã hàng đầu nói rất khó truy nguyên những cuộc tấn công mạng.
Ông Schneier nói với Đài VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây trong năm là “Chúng ta có thể làm được việc này khi các tin tặc phạm lỗi trong việc che dấu vết tích của họ và đây không phải là việc chúng ta có thể làm một cách nhanh chóng. Trong những trường hợp khác chúng ta có thể biết với đảm bảo hợp lý là những cuộc tấn công xuất phát từ các tòa nhà và văn phòng tại Trung Quốc và chính phủ biết được và chấp thuận việc này.”