Đường dẫn truy cập

Vấn đề Bắc Hàn và Biển Đông trong cuộc hội kiến Mỹ-Trung  


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Những phát biểu cứng rắn nhưng mơ hồ về Bắc Triều Tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần này làm dấy lên những đồn đoán rộng rãi rằng ông Trump có thể theo đuổi một sự thay đổi quan trọng về mặt chính sách sẽ dẫn đến một cuộc mà cả quy mô với Bắc Kinh, hoặc bắt đầu một cuộc chiến tranh phủ đầu.

Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên
Phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times của London hôm Chủ Nhật, ông Trump tuyên bố nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, "thì người Mỹ chúng ta sẽ giải quyết". Ông lưu ý về "ảnh hưởng lớn của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên" và cảnh báo rằng Bắc Kinh nếu Bắc Kinh không giúp giải quyết vấn đề Bắc Hàn đạt tiến bộ nhanh chóng về khả năng sản xuất hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, thì điều đó "không tốt cho bất cứ ai".

Chặn lại chương trình hạt nhân của BắcTriều Tiên và ngăn không cho chính phủ của ông Kim Jong Un sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), một vũ khí có khả năng tấn công vào đất liền của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ là một vấn đề chính mà ông Trump và ông Tập sẽ mang ra thảo luận khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago của tổng thống Mỹ ở bang Florida vào ngày thứ Năm tới đây.

Ngoại Trưởng Tillerson và BTQP Mattis

Các chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới thăm khu vực đã giúp Washington trấn an giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, Tokyo và Seoul rằng Washington sẽ tiếp tục đặt vào hàng ưu tiên cao việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực với Bình Nhưỡng, buộc họ phải thay đổi hành vi và từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh.

Ngoài ra, một báo cáo an ninh quốc gia mới đây của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách nhắm mục tiêu vào nhiều ngân hàng và các công ty của Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên.

Ít người nghĩ rằng trong cuộc gặp đầu tiên, ông Trump và ông Tập sẽ đạt được một bước đột phá đáng kể về vấn đề Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từ lâu không muốn làm bất cứ điều gì gây bất ổn cho chế độ miền Bắc, bởi vì nếu có bất ổn thì hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới vào lãnh thổ Trung Quốc.

Một số vấn đề khác cũng được đưa vào nghị trình làm việc của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, chẳng hạn như giảm thiểu các động thái quân sự có tính cách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp lãnh hải, một ưu tiên khác là thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, một vấn đề lớn mà ông Trump đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử.

Một cuộc mặc cả lớn

Tuy nhiên xét chính quyền ông Trump luôn nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự lựa chọn sẽ được đưa ra, không loại trừ giải pháp nào, để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, có tin đồn đoán cho rằng ông Trump có thể mưu tìm một thỏa thuận nhiều tầng lớp với ông Tập, sẽ bao gồm các vấn đề thương mại và an ninh khu vực.

Ông Bong Young-shik thuộc Viện Yonsei ở Seoul nhận định:

"Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.”

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Washington có sẵn sàng và có chịu đưa ra một số bước nhượng bộ, đủ để có thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi về cơ bản những tương tác với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng hay không.

Ông Bong nói có lẽ Washington sẽ cần một phần nào đó, ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và Đài Loan, đồng thời hạn chế bớt những lời chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc, để khích lệ nước này ra hành động quyết liệt hơn chống lại Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Time, ông Trump nói: "Thương mại là động lực" mà Mỹ sẽ sử dụng trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.

Được hỏi về một “cuộc mặc cả lớn" trong đó Trung Quốc sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng để đổi lấy lời hứa của Mỹ sẽ rút quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên, tờ báo trích lời ông Trump nói rằng: "Nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cho quý vị biết vậy thôi."

Giải pháp quân sự

Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Trump và những bình luận của các quan chức trong chính quyền của ông cũng làm dấy lên những đồn đoán rằng ông Trump có thể ủng hộ giải pháp sử dụng vũ lực để giải quyết các mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Tillerson và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Ngoại trưởng Tillerson và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Trong chuyến viếng thăm Seoul hồi gần đây, ông Tillerson tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên leo thang "mối đe dọa về chương trình vũ khí của họ đến mức mà chúng tôi tin là cần có hành động quân sự, thì giải pháp đó sẽ được cứu xét".

Ông James Nolt, một nhà phân tích kinh tế chính trị quốc tế thuộc Viện Chính sách Thế giới, lo ngại rằng các giới chức có lập trường diều hâu trong chính quyền Trump có thể cứu xét việc phát động một cuộc tấn công phủ đầu để chặn Bắc Triều Tiên phóng đi một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM), giải pháp quân sự đó được coi là một mố rủi ro có thể chấp nhận được để giữ gìn an ninh của Hoa Kỳ.

Nhà phân tích Nolt nhận định:

"Tôi nghĩ đó là một hành động có khả năng xảy ra bởi vì hành động này không nhất thiết phải giống như chiến tranh. Có thể đó là một phản ứng tương đối hợp lý trước một mối đe doạ, nhưng chắc chắn là nhìn từ quan điểm Bắc Hàn, thì hành động đó có tính cách ‘khiêu khích cao độ’.”

Nhiều người tại Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ không chấm dứt mối đe doạ hạt nhân vì nhiều cơ sở hạt nhân và phi đạn của nước này được giấu trong các hầm bí mật dưới lòng đất.

Và tệ hại hơn, theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công của Mỹ có thể đẩy Trung Quốc và toàn bộ khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, có thể giết chết hàng triệu con người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG