Vaccine đầu tiên chống virus Covid-19 đang được thử nghiệm trên người.
Khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố trình tự lây lan của virus corona và khi công ty công nghệ sinh học Moderna gởi vaccine đến Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm của Mỹ để bắt đầu thử nghiệm chỉ cách có 6 tuần.
Đây là một khoảng thời gian kỷ lục đối với việc chế tạo vaccine. Một vài công ty khác cũng đang làm việc để vaccine của họ được thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên thử nghiệm một vaccine về độ an toàn và hiệu quả sẽ mất từ 12 đến 18 tháng hay hơn nữa, các giới chức nói. Dù sản phẩm qua được thử nghiệm nhưng sẽ phải đối mặt với rào cản khác nữa: chế tạo và phân phối đủ vaccine để đáp ứng như cầu của một cơn đại dịch toàn cầu.
Công nghệ chưa được thử nghiệm
Vaccine của công ty Moderna là một trong vài ứng cử viên dùng một công nghệ mới chưa bao giờ được sử dụng trên người.
Cho tới nay tất cả các vaccine đều chứa đựng những phần của virus. Chúng báo động hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân để tìm ra virus.
Vaccine gần đây nhất của Moderna chỉ chứa đựng những chỉ dẫn về gen đối với những phần này. Cơ thể của bệnh nhân chuyển những chỉ dẫn vào các phần của virus báo động hệ thống miễn nhiễm.
Loại vaccine dùng gen này được sản xuất nhanh chóng hơn là vaccine truyền thống. Điều tất cả các khoa học gia cần biết là mã số gen của virus, đã có đối với virus corona trong vòng vài tuần lễ khi được phát hiện.
Đó là lý do tại sao Moderna có thể có được vaccine để thử nghiệm lâm sàng trong một thời gian kỷ lục.
Tuy nhiên công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Massachusetts, chỉ mới thành lập cách đây 10 năm, trước đây chưa bao giờ đưa một vaccine ra thị trường. Nếu vaccine của công ty chứng tỏ an toàn và hiệu nghiệm, mức cầu trên toàn thế giới có thể lên đến hàng trăm triệu ngay cả nhiều tỉ liều. Công ty không trả lời câu hỏi về khả năng sản xuất của công ty.
“Một số những kỹ thuật rất tân tiến này được các công ty rất nhỏ thực hiện, những công ty này không có kinh ngiệm sản xuất vaccine ở mức độ rộng lớn cần thiết để miễn nhiễm thế giới,” ông Amesh Adalja, một học giả kỳ cựu của Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế nói. Ông nói tiếp “sẽ phải có một số cuộc thảo luận về việc làm thế nào chúng ta phát triển khả năng sản xuất.”
Hai công ty công nghệ sinh học nhỏ khác là Inovio, có trụ sở tại Mỹ và CureVac, có trụ sở tại Đức cũng đang làm việc về vaccine căn cứ vào gen.
Các nhà tài trợ đang “làm việc để nhận ra được một số lớn các nhà sản xuất tiềm năng để liên kết với những nhà phát triển vaccine của chúng tôi,” theo Liên minh Sáng kiến Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), một đối tác công-tư quốc tế, được thành lập vào năm 2017 để thúc đẩy phát triển vaccine cho các bệnh khẩn cấp. Tất cả 3 công ty công nghệ sinh học đều nhận tài trợ từ CEPI.
Kinh doanh rủi ro
Đối với những công ty có kinh nghiệm sản xuất rộng lớn, sản xuất vaccine khẩn cấp là một rủi ro về kinh doanh không được hoan nghênh, các chuyên gia nói.
Các công ty “phải ngưng làm việc đối với những gì họ đang làm,” ông Adalja nói. “Chúng ta không biết thị trường to lớn như thế nào. Chúng ta không biết nếu (dịch bệnh) tàn lụi dần (vào lúc vaccine sẵn sàng) như là với bệnh SARS. Chúng ta không biết ai sẽ mua vaccine này.”
Chính phủ và các đối tác công-tư đã mua vaccine trong một số lần bùng phát trước, nhưng mỗi trường hợp đều khác nhau và không phải kịch bản nào cũng kết thúc tốt đẹp.
Một vài công ty thiệt hại về tài chánh khi làm việc để phát triển vaccine chống Ebola trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát vào những năm 2013 và 2016 tại Tây Phi.
Công ty sản xuất vaccine Sanofi cũng quay lưng với việc phát triển vaccine Zika.
Giá cả phải chăng và việc kiểm soát giá cả
Vấn đề ai cũng có thể mua được đã được đưa ra đối với vaccine cho Covid-19.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói với Quốc hội tuần trước: “Chúng tôi muốn đảm bảo là chúng tôi làm việc để vaccine có thể tiếp cận với mọi người, nhưng chúng tôi không thể kiểm soát giá cả vì chúng tôi cần đầu tư của lãnh vực tư.”
“Ưu tiên là có được vaccine và cách chữa trị,” ông nói thêm. Kiểm soát giá cả sẽ không đưa chúng ta đến đó.”
Ngày kế tiếp ông Azar tự mâu thuẫn khi nói rằng: “Tôi đã chỉ thị cho toán của tôi là nếu chúng tôi liên doanh với một công ty tư, đó là cùng tài trợ cuộc nghiên cứu và chương trình phát triển, chúng tôi phải đảm bảo là tiếp cận được kết quả này.”
Ngay cả khi các công ty và chính phủ Mỹ đồng ý về giá cả, câu hỏi kế tiếp là khi nào và liệu thế giới có tiếp cận được không.
Trong số những công ty sản xuất vaccine lớn trên thế giới, chỉ có Sanofi và Johnson & Johnson có trụ sở tại Mỹ là theo đuổi vaccine virus corona. Công ty dược GSK của Anh đang đóng góp một chất tăng cường miễn nhiễm cho một công ty vaccine Trung Quốc.
Hiện còn quá sớm để nói làm thế nào để đưa vaccine đến cho những người cần. Cuộc chạy đua để vaccine được thử nghiệm lâm sàng chỉ mới bắt đầu, và việc chế tạo phải mất một năm nữa.
Và lúc đó dịch bệnh xảy ra ở đâu là điều mọi người còn đang phỏng đoán.