Vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech có thể kém hiệu nghiệm hơn vaccine Moderna trước biến thể Delta, theo hai báo cáo đăng trên medRxiv ngày 8/9 trước khi có sự phối kiểm chéo từ các đồng nghiệp trong giới nghiên cứu.
Trong một cuộc nghiên cứu trên hơn 50.000 bệnh nhân thuộc Hệ thống Y tế Bệnh viện Mayo, các nhà nghiên cứu phát hiện tính hiệu nghiệm của vaccine Moderna chống lây nhiễm đã sụt xuống còn 76% hồi tháng 7-khi biến thể Delta chiếm ngự-từ tỷ lệ 86% hồi đầu năm nay.
Trong cùng thời kỳ, sự hiệu nghiệm của vaccine Pfizer/BioNTech đã giảm còn 42% từ tỷ lệ 76% trước đây, các nhà nghiên cứu nói.
Trong khi cả hai vaccine Pfizer và Moderna vẫn hữu hiệu ngăn ngừa nhập viện vì COVID, có thể sớm cần đến một liều tăng cường của Moderna cho những ai đã tiêm Pfizer hay Moderna, bác sĩ Venky Soundararajan thuộc công ty phân tích dữ liệu Massachusetts, đơn vị đứng đầu cuộc nghiên cứu của Mayo, cho biết.
Trong một cuộc nghiên cứu khác, các cư dân cao niên trong viện dưỡng lão tại Ontario có đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn-đặc biệt chống biến thể Delta-sau khi tiêm vaccine Moderna hơn là sau khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech.
Người lớn tuổi có thể phải cần các liều vaccine cao hơn, các liều vaccine tăng cường, cùng những biện pháp phòng ngừa khác, bà Anne-Claude Gingras thuộc Viện Nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum ở Toronto chỉ đạo cuộc nghiên cứu, cho biết.
Đáp yêu cầu bình luận về hai báo cáo này, một phát ngôn viên của Pfizer nói: “Chúng tôi vẫn tin là có thể phải cần đến một liều tăng cường thứ ba trong vòng từ 6 đến 12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ để duy trì mức bảo vệ cao nhất.”