Triển vọng sớm có vaccine chống Covid-19 là ‘lạc quan’ do nhiều tiền đã đổ vào nghiên cứu, và virus lần này cùng loại với các virus corona trước đây khiến việc nghiên cứu vaccine dễ hơn mặc dù tỷ lệ vaccine thành công lâu nay vẫn ở mức rất thấp, một vị bác sĩ gốc Việt ở Mỹ nói với VOA.
Hiện giờ ở phương Tây có ba ứng viên vaccine đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng: vaccine của hãng Moderna Mỹ, vaccine của AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford Anh và ứng viên còn lại là kết quả hợp tác giữa tập đoàn BionTech của Đức và hãng Pfizer của Mỹ.
Nga cho biết Viện Gamaleya ở Moscow và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga đã ‘hoàn tất thử nghiệm lâm sàng’ vaccine của họ, theo hãng tin Itar-Tass.
Trung Quốc cũng có hai ứng viên vaccine đang vào giai đoạn cuối của các tập đoàn Sinovac và Sinopharm mà theo họ loan báo đang được thử nghiệm rộng rãi ở Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Cả Nga và Trung Quốc đều tuyên bố ‘đã thành công’ trong việc tìm ra vaccine cho Covid-19. Trung Quốc đã bắt đầu dùng vaccine trong quân đội còn Nga thông báo đến tháng 10 năm nay sẽ tiêm chủng đại trà cho người dân.
Riêng Mỹ đã rót cho Moderna hơn 1 tỷ đô la, Pfizer hơn 2 tỷ, Đại học Oxford 1,5 tỷ. Mới đây, chính phủ Mỹ cũng loan báo sẽ cấp 2,1 tỷ đô la cho hai hãng dược Sanofi của Pháp và GSK của Anh để đặt trước 100 triệu liều vaccine sau khi Liên hiệp châu Âu đặt hàng trước 300 triệu liều của hai hãng này.
Rút ngắn đáng kể
Theo các chuyên gia, một vaccine được sản xuất đại trà phải qua ba giai đoạn thử nghiệm để xem có giúp cơ thể sản xuất ra kháng thể và có gây tác dụng phụ hay không.
Giai đoạn đầu thử trên những tình nguyện viên khỏe mạnh. Giai đoạn hai thử nghiệm trên những người thuộc các độ tuổi khác nhau. Giai đoạn ba là thử trên quy mô lớn với 30.000 người. Theo quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm-Dược phẩm Hoa Kỳ), phải trên phân nửa trong số này có kháng thể thì vaccine mới được xem là thành công.
Vaccine cho Covid-19 được rút ngắn đáng kể, còn vài tháng so với từ 10 cho đến 30 năm như thường lệ. Theo bác sĩ Nguyễn Đông Châu thuộc bệnh viện Houston Methodist ở Texas, một trong những nguyên do là vì chính phủ Mỹ đã bỏ tiền ra rất nhiều.
“Tại vì tiền bạc bỏ ra rất nhiều nên nó đi nhanh chứ không phải người ta làm vắn tắt cái gì. Họ cũng làm nghiên cứu đàng hoàng hết,” ông trả lời câu hỏi liệc việc phát triển vaccine quá nhanh có dẫn đến việc làm ẩu, làm dối và bỏ qua những nguyên tắc an toàn hay không.
Trước đây, giới khoa học đã nghiên cứu tìm vaccine cho các bệnh truyền nhiễm như SARS và MERS nhưng sau đó đã ‘phải ngưng lại vì không có đủ tiền để tiếp tục’. Do virus gây các chứng bệnh này cũng cùng họ với virus corona gây Covid-19, nên giờ đây chỉ cần đi tiếp từ các nghiên cứu có sẵn này, bác sĩ Châu giải thích thêm và cho đây là một lý do giúp việc nghiên cứu vaccine Covid-19 thêm thuận lợi.
Khó tin Trung Quốc
Theo lời vị bác sĩ theo dõi quá trình nghiên cứu vaccine thì các ứng viên vaccine hiện đã qua các giai đoạn 1 và 2 đã có kết quả khả quan: ‘đã có kháng thể xuất hiện, không có tình nguyện viên nào bị chết, phản ứng phụ rất ít’.
“Tôi đã thấy trong những giai đoạn đầu đã có hơn 50% những người được tiêm vaccine đã sản sinh ra kháng thể nên tôi tin tưởng là sẽ làm được,” bác sĩ Đông Châu bày tỏ lạc quan.
Ông cho biết các vaccine mà các công ty Mỹ hiện đang thử nghiệm đã kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các tế bào B và tế bào T trong khi các vaccine trước nay chủ yếu chỉ tạo ra tế bào B. Theo ông, tế bào T là tế bào miễn dịch rất tốt.
Về khả năng Trung Quốc sẽ có vaccine trước Mỹ, bác sĩ Đông Châu cho rằng nghiên cứu của Trung Quốc ‘được tiến hành trong quân đội nên có nhiều cái họ giữ bí mật mình không biết’.
“Có những điều tiêu cực mà họ không nói cho mình biết còn cái nào tốt thì họ thổi phồng lên,” ông nói và cho biết ông hy vọng Trung Quốc làm ra được vaccine để sử dụng cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc.
“Có thể tôi chẳng thà đợi thuốc bên Mỹ sẽ tốt hơn còn thuốc bên xứ cộng sản hy vọng họ làm được và có nguy cơ ít để giúp cho người dân của họ,” ông nói.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 31/7, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, Anthony Fauci, nói ‘khó có khả năng Nga hay Trung Quốc làm ra vaccine ngừa Covid trước Mỹ’.
Ông Fauci kêu gọi hai nước này ‘thử nghiệm kỹ lưỡng’ các vaccine của họ trước khi cho công chúng sử dụng rộng rãi và bác khả năng Mỹ sẽ dùng vaccine của hai nước này nếu như họ có trước, bởi ‘các quy định an toàn mơ hồ hơn rất nhiều so với phương Tây’.
Khả năng thất bại
Giới chuyên môn cũng thận trọng lưu ý về khả năng vaccine bị thất bại.
“Từ trước đến nay trong 100 vaccine được thử nghiệm chỉ có 4 loại là thành công thôi,” bác sĩ Đông Châu cho biết.
Trên thế giới hiện hàng trăm ứng viên vaccine đang được phát triển, hàng chục vaccine đang được thử nghiệm với hy vọng cuối cùng có được 1 vaccine hiệu quả giúp con người phòng vệ trước Covid.
Do đó, việc Mỹ bỏ hàng tỷ đô la đầu tư cũng như đặt mua trước từ nhiều hãng dược khác nhau ‘nhằm có được vaccine nào hay cái đó’, theo lời bác sĩ Châu.
Ngoài vaccine, vốn có thể mất từ 1 đến 2 tháng để tạo ra kháng thể sau khi tiêm với rủi ro là có người có kháng thể, có người không, bác sĩ Châu cho biết ‘cách tốt nhất và lẹ nhất’ là lấy huyết tương của những người đã khỏi bệnh, đã có sẵn kháng thể, tiêm vào những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên viện dưỡng lão, người lớn tuổi…
Bệnh cạnh đó, những loại thuốc chống viêm đang có sẵn có thể giúp chống lại việc hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức trước Covid, gây ra ‘bão cytokine’ vốn có thể tự giết chết cơ thể.
“Thuốc chống viêm có thể làm bệnh nhẹ lại, tử vong ít đi, nhưng không thể giết chết con virus,” bác sĩ Châu giải thích.