Đường dẫn truy cập

Vaccine Covid-19: thân ai nấy lo hay lo chung cho thế giới?


Một tình nguyện viên ở Brazil đang được tiêm thử nghiệm vaccine chủng ngừa Covid-19 của tập đoàn Trung Quốc Sinovac
Một tình nguyện viên ở Brazil đang được tiêm thử nghiệm vaccine chủng ngừa Covid-19 của tập đoàn Trung Quốc Sinovac

Thế giới sẽ đối mặt thách thức về việc phân phối vaccine chống Covid-19 sao cho công bằng trong lúc Mỹ và các nước phương Tây tranh thủ trước nguồn cung cho dân mình còn Trung Quốc đang dùng ‘ngoại giao vaccine’ với thế giới, giới quan sát nhận định.

Một số chuyên gia bình luận với VOA rằng mặc dù ‘không có gì sai’ trong việc phương Tây thủ sẵn nguồn cung vaccine cho bản thân, các nước cũng nên xây dựng một cơ chế phân phối chung để đảm bảo người dân các nước nghèo tiếp cận được vaccine.

Trong nỗ lực đảm bảo có sẵn nguồn cung một khi vaccine được tìm ra, Mỹ, nước bị virus corona hoành hành nặng nhất thế giới, đang chi hàng tỉ đô la đầu tư cũng như đặt hàng trước hàng trăm triệu liều từ các công ty dược như Moderna, Pfizer, và liên minh Đại học Oxford-AstraZeneca.

Mới đây nhất, Mỹ loan báo sẽ chi 2,1 tỷ đô la cho hai hãng dược Sanofi của Pháp và GSK của Anh để đặt trước 100 triệu liều vaccine. Trước đó, Liên minh châu Âu cũng đặt hàng 300 triệu liều từ hai hãng này.

Vaccine là ‘của chung’

Điều này dẫn đến quan ngại là trong cuộc cạnh tranh mặt hàng quan trọng này, nhiều nước nghèo sẽ bị cho ra rìa và như vậy sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả thế giới.

Tại một cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nếu vaccine của Trung Quốc thử nghiệm thành công, đó sẽ là tài sản chung (public good) của thế giới. Trong kinh tế học, ‘public good’ có nghĩa là lợi ích mà bất cứ ai, cho dù đóng góp hay không đóng góp, đều có quyền tiếp cận và không thể vì người này có mà người kia không có được.

Kể từ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục nhắc đi nhắc lại thông điệp này trong nỗ lực định hình Bắc Kinh như là ‘lãnh đạo toàn cầu chống dịch Covid-19’, theo tờ South China Morning Post.

Hồi tháng trước, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc sẽ không hành xử như một số nước để tìm kiếm sự độc quyền vaccine hay mua hết vaccine.”

Trung Quốc hiện có hai ứng viên vaccine của các tập đoàn Sinovac và Sinopharm mà họ loan báo đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối ở Brazil và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, giới quan sát không rõ làm sao họ có thể biến vaccine của mình thành ‘của chung’ cho thế giới trong khi cần phải tiêm cho 1,4 tỷ dân trong nước trước đã.

WHO đã xây dựng một cơ chế gọi là Covax để đảm bảo phân phối vaccince công bằng cho các quốc gia tham gia. Bắc Kinh không tham gia Covax nhưng đưa ra những đề nghị hào phóng cho các nước đang phát triển.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc trong thời gian qua đã nêu Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippines là các nước có thể được hưởng lợi từ vaccine của Trung Quốc, theo SCMP.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn đề xuất cho các nước Mỹ Latin và Caribe vay 1 tỷ đô la để mua vaccine, SCMP dẫn nguồn từ chính phủ Mexico cho biết. Trước đó, ông Tập hứa sẽ ‘dành ưu tiên cho các nước Phi châu’ một khi Trung Quốc tìm ra vaccine.

‘Xây dựng hình ảnh’

Việc giúp các nước thu nhập trung bình thấp có nguồn cung vaccine ‘sẽ giúp củng cố uy tín quốc tế của Trung Quốc, ông Hoàng Nghiêm Trung, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, được SCMP dẫn lời nói.

“Nếu Trung Quốc chơi lá bài ‘ngoại giao vaccine’ thì điều này sẽ giúp họ biểu dương sức mạnh mềm và giúp họ thổi thêm sức sống cho Ý tưởng Vành đai Con đường,” ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, do quy mô dân số Trung Quốc quá lớn, nếu muốn có đủ nguồn lực giúp cho các nước khác, Bắc Kinh phải tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vaccine và chuyển hướng ngành công nghiệp vaccine vốn đang chuyển từ phục vụ nội địa ra phục vụ nước ngoài.

Theo số liệu của WHO thì mặc dù Trung Quốc sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine cho các chứng bệnh khác mỗi năm, trên thị trường thế giới, vaccine Trung Quốc bị lép vế rất nhiều so với các công ty Ấn Độ và các tập đoàn đa quốc phương Tây.

Cũng theo SCMP, những người am hiểu cho rằng trọng tâm của ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc vẫn là ‘đáp ứng nhu cầu trong nước’. Tờ báo này dẫn lời bà Helen Chen thuộc công ty tư vấn quản lý LEK cho biết Trung Quốc đang chuyển một số cơ sở chuyên sản xuất quy mô lớn vaccine tiêm chủng cho trẻ em sang làm vaccine cho Covid-19.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, chỉ trong tháng qua đã có 13 công ty Trung Quốc xây dựng cơ sở sản xuất vaccine. Một trong số đó đặt ở Vũ Hán có công suất 100 triệu liều mỗi năm và một ở Bắc Kinh có công suất 120 triệu liều.

Tuy nhiên, liệu các nước có tin tưởng vào vaccine ‘made in China’ hay không cũng là một vấn đề. Ngành công nghiệp vaccine nước này đã từng gặp nhiều bê bối về tiêu chuẩn thấp, trong đó có vụ bán vaccine tiêm chủng cho trẻ em ‘dưới chuẩn’.

Thách thức sản xuất đại trà

Hàng loạt vấn đề khó khăn phát sinh khi chuyển sang sản xuất vaccine đại trà ở quy mô cực lớn để đáp ứng nhu cầu của hàng tỷ người trên thế giới.

“Hiện chỉ riêng số lọ chứa vaccine thôi đã là không thể cung ứng nổi,” Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nói và cho biết trên thế giới ‘hiện chỉ có mười mấy công ty sản xuất lọ chứa thôi’ nên trong thời gian tới nhiều công ty sản xuất lọ nước hoa cũng phải chuyển đổi dây chuyền sản xuất để tham gia sản xuất lọ đựng vaccine.

Giáo sư Lộc cũng nêu vấn đề về nguồn nguyên liệu, các loại hóa chất cần thiết, khả năng lưu trữ ở quy mô lớn, khả năng chuyên chở và hệ thống kiểm soát chất lượng cho từng khâu. Tất cả đều phải đồng bộ cùng một lúc mà nếu thiếu một khâu thì việc sản xuất vaccine cũng bị tắc nghẽn.

Theo lời ông, các hãng vaccine chưa bao giờ đối mặt với nhu cầu lớn đến hàng tỷ đơn vị vaccine như thế ‘nên phải mở rộng thêm nhà máy, xây dựng thêm cơ sở, chế tạo thêm máy móc, đào tạo thêm nhân công để đảm bảo sản xuất đồng loạt’.

“Các công ty phải gia tăng sản xuất, làm cả ngày lẫn đêm,” ông dẫn giải và cho biết ngay cả các hãng tân tiến của Mỹ hay Châu Âu ‘cũng gặp thách thức không nhỏ’ nên ông bày tỏ nghi ngờ về năng lực sản xuất vaccine của Trung Quốc.

“Từ xưa đến giờ họ sản xuất rất ồ ạt nhưng phần nhiều là công nghệ thấp trong khi vaccine là công nghệ gần như là tối cao rồi,” Giáo sư Lộc nói với VOA.

‘Chủ nghĩa dân tộc vaccine’

Việc các nước phương Tây tranh mua trước vaccine được xem như là một dạng ‘chủ nghĩa dân tộc vaccine’ (vaccine nationalism). Điều này được cho rằng sẽ khiến dịch kéo dài hơn nữa vì những nơi cần vaccine nhất để chặn đứng đà lây của dịch có thể sẽ không có thuốc.

Ngoài Mỹ, Anh cũng đã đặt mua trước 60 triệu liều từ hai hãng GSK và Sanofi. Hai hãng dược này cũng đã ký hợp đồng cung cấp 300 triệu liều cho châu Âu. Ngoài ra, bốn nước Đức, Pháp, Ý và Hà Lan còn đặt thêm trước 300 triệu liều từ hãng dược AstraZeneca vốn hợp tác với Đại học Oxford. Nhật đã mua trước 120 triệu liều với các hãng Pfizer và BioNTech, còn Viện Serum của Ấn Độ nói phần lớn vaccine họ sản xuất ra sẽ được cung cấp cho thị trường trong nước, theo Bloomberg.

Theo nhận định của hãng tin này thì cách làm ‘mạnh ai nấy lo’ nhiều khả năng ‘sẽ đẩy giá vaccine lên cao’ – ngoài khả năng tiếp cận của các nước nghèo. Bloomberg nhắc lại hồi dịch cúm H1N1 năm 2009, các nước giàu ‘mua hết toàn bộ nguồn cung vaccine có sẵn’.

Bloomberg cho rằng vaccine nên được cung cấp cho ‘nhóm đối tượng rủi ro cao nhất trên toàn thế giới’ thay vì ‘chích hết cho toàn bộ dân của các nước giàu’.

Trước khả năng ‘hỗn loạn của thị trường vaccine trong thời gian đầu’ khi các công ty vì lợi nhuận có thể tìm cách đẩy giá trước sự tranh mua của các nước, Tiến sĩ Lộc tin rằng ‘các chính phủ sẽ ra luật’ khống chế giá cả.

Ông đề xuất các nước nên có sự phối hợp để xây dựng cơ chế phân phối chung trong đó có trình tự ưu tiên rõ ràng. Trong việc này, sẽ rất cần vai trò của WHO hay Liên Hiệp Quốc đứng ra điều phối.

“Cần phải ưu tiên từ cao nhất là các nhân viên y tế trên tuyến đầu, rồi đến các nhân viên y tế còn lại mới đến nhưng người có bệnh nền, những người già cả,” ông phân tích. “Có thứ tự rõ ràng như thế thì không ai có thể tranh giành được.”

Các nước tranh nhau đặt mua vaccine để bảo vệ dân mình là điều dĩ nhiên và việc chi tiền đặt hàng trước cũng ‘giúp các công ty có tiền bạc, có động lực để mà theo đuổi nghiên cứu vaccine trong đường dài,’ vị chuyên gia này nhận định.

“Nhưng Mỹ và EU cũng không thể bỏ qua các nước nghèo, như châu Phi hay những vùng lây lan nhiều cần có sự ưu tiên như trợ giá, cho mượn, cho vay hay cho luôn để mua vaccine nhưng với điều kiện rõ ràng là vaccine cần được dùng đúng chỗ nào cần nhất,” Tiến sĩ Lộc nói.

Từ Houston, Texas, bác sỹ Nguyễn Đông Châu thuộc bệnh viện Houston Methodist, nhận định rằng việc Trung Quốc hay Nga sản xuất được vaccine cho dân họ sẽ giúp làm giảm gánh nặng vaccine cho thế giới.

‘Chủ nghĩa bình đẳng’ trong phân phối vaccine ‘nghe thì hay nhưng trên thực tế không thể làm được, bác sĩ Châu chia sẻ quan điểm với VOA.

“Tiền của dân Mỹ đóng thuế cấp cho các công ty vaccine thì tất nhiên dân Mỹ sẽ được ưu tiên,” bác sĩ Châu giải thích.

Ông Lộc cho rằng các nước phương Tây có thể sẽ không dùng hết số vaccine mà họ đã đặt mua. Khi đó, họ có thể chuyển sang cho các nước cần hơn.

“Ví dụ Châu Âu họ đặt 400 triệu liều nhưng người dân của họ theo thống kê chỉ có 70% chích ngừa thôi, 30% còn lại sẽ như thế nào,” ông đặt vấn đề.

VOA Express

XS
SM
MD
LG