Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới cho VOA tiếng Việt biết rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm, đồng thời tiết lộ đã “đề nghị” gặp quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam.
Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh".
“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, bà Battu-Henriksson nói thêm.
“Vụ việc này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam sắp tới. Liên minh châu Âu kỳ vọng chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.
Nữ phát ngôn viên không cho biết phản ứng của ông Dũng sau khi EU, một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, bày tỏ lo ngại về vụ việc gây chết chóc, mà nhiều nguồn tin nói là xảy ra vào lúc sáng sớm với lực lượng an ninh hùng hậu, khiến ít nhất 4 người tử vong.
Bà Battu-Henriksson cho hay thêm rằng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã “đề nghị” có “cuộc gặp cụ thể với Thứ trưởng Bộ Công an”, đồng thời sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình”.
Hiện chưa rõ là phía Việt Nam hồi đáp như thế nào về yêu cầu này, cũng như thứ trưởng nào của Bộ Công an sẽ gặp đại diện của Liên minh châu Âu.
Hôm 14/1, 5 ngày sau cuộc đụng độ gây tranh cãi, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có buổi họp báo mà truyền thông trong nước đăng tải chi tiết, trong đó cáo buộc ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, “cầm lựu đạn”, nhưng không trích dẫn ý kiến của thân nhân người được coi là “thủ lĩnh tinh thần” của làng Đồng Tâm.
Trong một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội mới đây, đúng ngày gia đình tổ chức lễ tang cho ông Kình, bà Dư Thị Thành, vợ ông, kể lại chuyện bà bị "bắt phải khai cầm lựu đạn" lúc bị công an tạm giữ: “Tôi bảo tôi không biết quả lựu đạn là thế nào, bom xăng là thế nào thì tôi không khai được. Thế là cứ thế nó tát, nó đá. Tát suốt, cứ hết bên nọ sang bên kia. Thế xong rồi nó đá vào hai ống chân”. VOA tiếng Việt chưa rõ bà Thành bị thẩm vấn ở đồn công an nào.
Cuối năm ngoái, nhân ngày Nhân quyền Thế giới, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Hà Nội đã ra thông cáo, trong đó tuyên bố rằng “EU cam kết mạnh mẽ với việc bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và trên toàn thế giới”.
“EU và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các vấn đề chính trị và an ninh, những thách thức toàn cầu, thương mại và phát triển”, thông cáo đăng ngày 11/12/2019 có đoạn. “Tôn trọng quyền con người là một phần cơ bản trong các mối quan hệ của EU với các nước đối tác và các thể chế quốc tế”.
Chính quyền Hà Nội từng cho biết rằng EU là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giữa năm ngoái, sau nhiều năm đàm phán, quốc gia nằm ở Đông Nam Á và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư mà hai phía nói rằng “sẽ đặt một cột mốc trong quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”.
Tin cho hay, các hiệp định này cần phải được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU thông qua trước khi có hiệu lực.
Hiện xuất hiện một lời kêu gọi biểu tình trước Nghị viện châu Âu ở Bỉ ngày 21/1, đúng ngày Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan lập pháp này được cho là “nhóm họp để quyết định xem có phê chuẩn các điều khoản của EVFTA hay không”.