Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power vừa có chuyến thăm Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nói rằng cơ quan của bà cam kết hỗ trợ người dân để bảo vệ khu vực đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Tuyên bố trên của tổng giám đốc USAID nêu ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và các sở, ban ngành diễn ra trưa 9/3.
Ngoài ra, quan chức đứng đầu USAID cũng bày tỏ quan tâm hợp tác với Cần Thơ trong các hoạt động khác nhằm tăng cường hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu và lĩnh vực y tế để chăm sóc sức khỏe người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Khi tiếp bà Power, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Cần Thơ, cho rằng gần đây, hàng loạt đập thủy điện ở nhiều nước trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo TTXVN.
Hồi tháng 6/2022, USAID và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam ký thỏa thuận đối tác song phương đầu tiên về hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2027, với kinh phí dự trù lên tới 50 triệu đôla.
Bà Power nói trong một video đăng trên Twitter hôm 8/3:
“Hiện tôi đang có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong năm quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu”.
Trong video, bà cho biết đã đến thăm những nông dân từng trồng lúa nhưng nay đã chuyển sang trồng cây có múi để thích nghi với biến đổi khí hậu. Bà cũng đến thăm một trại nuôi cá, nơi nuôi cá qua nhiều thế hệ, nay phải kết hợp làm thêm dịch vụ du lịch sinh thái để trang trải cuộc sống vì lo sợ bị nhiễm mặn.
Bà Power tới thăm bè cá của gia đình ông Bảy Bon tại Cồn Sơn, Cần Thơ, một trong hơn 10.000 trang trại nuôi trồng thủy sản nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo trang USAID Việt Nam.
Bà nghe họ chia sẻ về cách họ ứng phó trước tình trạng mực nước thay đổi và độ mặn ngày càng tăng ở sông Hậu và sông Tiền - là hai nhánh chính của sông Mekong ở Việt Nam.
Nhà lãnh đạo USAID nói:
“USAID đến đây ở đây để cố gắng hỗ trợ nông dân, khi họ đa dạng hóa sinh kế. Chúng tôi biết rằng ở Việt Nam và trên toàn thế giới, việc thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là chìa khóa cho cơ hội kinh tế và thịnh vượng trong tương lai”.
Bà Power hôm 8/3 phát biểu rằng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà bất cứ điều gì xảy ra với môi trường, khí hậu, mực nước biển, hay dòng chảy ở thượng nguồn đều sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, nông dân trồng lúa, người sản xuất cây ăn quả.
“Mọi người đang phải chịu một số tác động rất khó khăn do môi trường thay đổi và các kiểu thời tiết khó lường hơn khi mà nhiều người trên thế giới đang phải đối phó, nhưng điều đó thực sự tác động mạnh đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long này”, USAID dẫn lời bà Power cho biết trong một thông báo.
Tại cuộc tọa đàm với sinh viên Đại học Cần Thơ hôm 9/3, bà Power chia sẻ với giới trẻ về nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc giúp người dân Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, xử lý rác nhựa, và tẩy độc dioxin.
Tại Vĩnh Long, hôm 8/3, bà Power đến thăm chùa Khmer Phù Ly, nơi bà lắng nghe các nhà lãnh đạo địa phương và các thành viên của cộng đồng người Khmer địa phương chia sẻ về việc biến đổi khí hậu đang gây hại cho mùa màng của họ và ảnh hưởng đến tương lai của ngành nông nghiệp trong khu vực.
Nhà lãnh đạo USAID cho rằng một phần quan trọng trong tương lai của quan hệ đối tác song phương với Việt Nam là cam kết của USAID trong việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu ở sông Mekong.
Trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh, bà đến tham quan một điểm thu gom ve chai và nghe giới thiệu về ứng dụng VECA trên điện thoại đang giúp công việc này trở nên hiệu quả hơn, góp phần đóng góp cho nỗ lực toàn cầu về giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Trong ngày đầu tiên của chuyến công du Việt Nam, hôm 7/3, bà Power đến thăm Căn cứ Không quân Biên Hòa, nơi USAID cùng với chính phủ Việt Nam đang làm sạch đất bị ô nhiễm tại điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại ở Việt Nam.
(Bài đã bỏ phần 5 triệu đôla hỗ trợ Cần Thơ sau khi VOA nhận được xác nhận của USAID hôm 14/3/2023).
Diễn đàn