Đường dẫn truy cập

Usagi, rồi Sài Gòn thê thảm lắm em ơi!


Một con đường ngập lụt ở Sài Gòn, 25 tháng 11.
Một con đường ngập lụt ở Sài Gòn, 25 tháng 11.

Usagi – trận bão thứ 9 trong năm nay – đã tan nhưng ở nhiều nơi tại Sài Gòn, dân chúng không bì bõm di chuyển trong nước thì cũng đang hì hục dọn dẹp nhà cửa. Sài Gòn lại bị dìm trong biển nước.

Đến sáng 26 tháng 11, có không ít nơi giống như đường Phan Huy Ích, đoạn chạy ngang phường 15, quận Tân Bình, các loại xe bốn bánh vẫn nằm ngổn ngang, bập bềnh giống như đồng loạt rớt xuống sông (1).

Đâu chỉ có sinh hoạt hàng ngày của tất cả các giới thuộc mọi lĩnh vực bị xáo trộn, ngập đã hủy hoại đủ loại tài sản của hàng trăm ngàn gia đình (xe hai bánh gắn máy, xe hơi, giường, tủ, bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh,…). Ngập không còn là chuyện nhỏ khi người ta có nhà mà không thể về, vật dụng rẻ tiền hay đắt giá đều trở thành đồ vứt đi...

Tuy các cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn giải thích, Sài Gòn ngập trên diện rộng, ngập lâu và ngập sâu vì vũ lượng do các trận mưa liên quan đến bão Usahi thuộc loại chưa từng có trong lịch sử (400 mm) nhưng điều đó không chính xác.

Bão Usagi đổ nước xuống Sài Gòn từ 25 tháng 11 nhưng trước đó, Sài Gòn đã không ít lần ngập trên diện rộng, ngập rất sâu và ngập rất lâu, kể cả ở những khu vực được xem là hết sức sang trọng như Thảo Điền (phường An Phú, quận 2).

Vài tháng trước bão Usagi, báo chí Việt Nam đã từng thi nhau tường thuật cảnh “nhà giàu cũng khóc” vì những khu dân cư cao cấp như Thảo Điền liên tục chìm trong nước mưa hòa cùng nước cống rãnh, kênh rạch (2). Sang hay hèn giờ cũng khốn khổ như nhau.

***

Có một điều đáng ngạc nhiên là báo chí Việt Nam đã thôi không đả động gì đến trách nhiệm chống ngập ở Sài Gòn dù hết núi tiền này tới núi tiền khác đã thi nhau trôi sạch theo nước cống.

Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, hệ thống công quyền đã dùng hết 24.300 tỉ vào chuyện chống ngập cho Sài Gòn, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (3).

Bởi ngập lụt tại Sài Gòn không những không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác, năm 2015, chính quyền Việt Nam phê duyệt một kế hoạch khác vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục chống ngập ở Sài Gòn!

Ba khu đất ở quận 7 và quận 9 đã được đem đổi lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch mà các chuyên gia từng cảnh báo nhiều lần rằng sẽ chẳng đi đến đâu. Thêm 68.000 tỉ đồng nữa để đổi lấy một Sài Gòn dễ ngập và ngập trầm trọng hơn như vừa chứng kiến (4).

Tương lai của Sài Gòn không chỉ thê thảm với các công trình chống ngập! Làm sao chống được ngập khi những cá nhân soạn, lập – phê duyệt qui hoạch đã thiếu kiến thức lại không bận tâm đến phát triển bền vững và chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm.

Dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… qui hoạch, từ 1996 đến 2008, hệ thống công quyền ở TP.HCM đã ra lệnh lấp khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch (tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta) (5).

Rồi cũng theo… qui hoạch, lại chi thêm 3.000 tỉ để khôi phục lại một phần những dòng kênh, đoạn rạch đã từng lấp để chống ngập (6). Bao nhiêu trăm ngàn tỉ thì đủ cho việc lấp và khôi phục lại theo các qui hoạch hoặc sửa chữa chúng?

Một số người bảo rằng, Sài Gòn tan nát, thê thảm vì những cá nhân vừa ngu dốt, vừa tham lam nhưng có quyền định đoạt mọi thứ mà giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở TP.HCM hiện nay gọi là “thế hệ tiền nhiệm”!

Nhận định ấy đúng nhưng chưa đủ. Liệu giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở TP.HCM hiện nay có tâm và có tầm hơn? Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy câu trả lời là không. Sài Gòn vốn đã nát sẽ nát hơn.

Tháng 8 vừa rồi, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cảnh báo, trong vòng từ 30 năm đến 100 năm nữa, phần lớn Sài Gòn sẽ thành đầm lầy (8).

Cảnh báo đó thật ra không mới, nhiều chuyên gia đã đề cập đến viễn cảnh này cách nay hàng chục năm vì mỗi năm, bề mặt Sài Gòn lún khoảng 7cm. Trong bối cảnh mực nước biển dâng lên cao hơn, bề mặt lún nhanh và đều như thế thì thảm họa là tất nhiên.

Tuy các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại: Ngưng khai thác nước ngầm, hạn chế bê tông hóa bề mặt, kiểm soát kỹ lưỡng việc cho phép xây dựng các công trình đồ sộ,… kềm giữ tốc độ sụt lún nhưng có viên chức hữu trách nào bận tâm không?

Câu trả lời là không! Chẳng riêng “thế hệ tiền nhiệm” mà “thế hệ đương nhiệm” cũng làm ngơ. Dựa trên qui hoạch, hàng loạt cảng được di dời nhưng cũng dựa trên qui hoạch, hàng loạt cao ốc mọc lên thế chỗ với giá ngất ngưởng vì có… “view” (9).

Các siêu dự án kiểu như Vinhomes Central Park chễm chệ sát các bờ sông không chỉ đẩy nhanh quá trình sụt lún mà còn thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ sạt lở, thu hẹp hành lang thoát lũ (10).

Khuyến cáo, bao gồm các dẫn chứng vi phạm luật pháp hiện hành, kể cả phân tích thiệt - hơn, hay – dở,… vẫn như những tiếng kêu trong hoang mạc. Tương lai của một đô thị như Sài Gòn không quan trọng bằng giá trị tài sản của một số cá nhân.

***

Năm 2000, hồ Bình Tiên, kênh Hàng Bàng ở quận 6 bị lấp. Quan tâm hay không cũng ít ai nghĩ chỉ 15 năm sau, sự im lặng trước quyết định này khiến hàng trăm ngàn căn nhà tọa lạc trong các quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh bị dìm trong nước và làm chừng hai triệu người cư ngụ ở khu vực này lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Chưa ai biết dùng xong 3.000 tỉ để khôi phục những thứ đã bị lấp có hiệu quả hay không?

Giờ có khác gì? Các qui hoạch vẫn được lập, vẫn được duyệt theo khuynh hướng y hệt như vậy. Chẳng lẽ tương lai, tài sản, thậm chí tính mạng của nhiều triệu người vẫn không đáng bận tâm, không đáng để dõi theo và cương quyết nói không với những qui hoạch mà ai cũng có thể thấy chỉ khiến Sài Gòn càng ngày càng thê thảm?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/oto-chet-may-nam-ngon-ngang-tren-duong-tu-dem-toi-sang-20181126100342307.htm

(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/khu-nha-giau-sai-gon-ngap-toe-tua-dan-rung-minh-loi-nuoc-ban-480307.html#inner-article

(3) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html

(4) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html

(5) https://laodong.vn/xa-hoi/kenh-rach-bi-lap-kin-khong-ngap-moi-la-373442.bld

(6) http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bai-hoc-nghin-ty-tu-viec-dao-kenh-rach-da-lap-a170845.html

(7) http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/tphcm-truoc-nguy-co-thanh-dam-lay-94287.html

(8) http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/tphcm-truoc-nguy-co-thanh-dam-lay-94287.html

(9) http://vietnamfinance.vn/di-doi-cang-tren-song-sai-gon-lo-dien-nhung-manh-dat-vang-20180504224212061.htm

(10) http://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/central-park-giong-het-cai-mo-han-de-doa-song-sai-gon-136152/

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG