Một đoàn đại biểu cấp cao của Hoa Kỳ tới Việt Nam để tham dự hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về cúm động vật và cúm đại dịch (viết tắt là IMCAPI) tại Hà Nội từ ngày 19/4 tới 21/4.
Hội nghị kéo dài trong ba ngày do chính phủ Việt Nam chủ trì, với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc và Uỷ ban Châu Âu.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đại diện của các tổ chức quốc tế và chính phủ trên toàn thế giới tham dự hội nghị nhằm xác định phương pháp tối ưu để phòng chống đại dịch cúm và chú trọng hơn tới khả năng lây nhiễm giữa động vật và người, bao gồm những thách thức do cúm động vật và đại dịch cúm gây ra cho cộng đồng toàn cầu.
Cũng theo thông cáo này, đoàn đại biểu nước này tham dự hội nghị bao gồm các giới chức như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chuyên trách Các Chương trình Điều tiết và Tiếp thị Edward Avalos; Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Các Vấn đề Đại dương, Khoa học và Môi trường Quốc tế, Tiến sĩ Kerri-Ann Jones; và Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Y tế của Bộ Y tế và các Dịch vụ Con người Hoa Kỳ, Tiến sĩ Bruce Gellin. Được biết, Trợ lý Ngoại trưởng Kerri-Ann Jones hiện là Đại diện Đặc biệt của Hoa Kỳ về Cúm Gia cầm và Cúm Đại dịch.
Hôm thứ Ba, đoàn đại biểu Hoa Kỳ đã đề cập đến khoản đầu tư trị giá hơn 1,5 tỷ đô la của chính phủ Hoa Kỳ cho công tác phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm trên toàn thế giới.
Con số này cho thấy 627 triệu đô la đã được bổ sung kể từ hội nghị IMCAPI lần trước, được tổ chức vào năm 2008 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ cho biết khoản tài trợ này cho thấy Tổng thống Obama và Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chú trọng vào nỗ lực ứng phó với virut H1N1-2009, đối phó và ngăn chặn cúm gia cầm H5N1 có khả năng phát sinh bệnh dịch cao, và phòng chống các vi khuẩn khác có nguy cơ gây bùng phát đại dịch.
Khoản tài trợ gia tăng của chính phủ Hoa Kỳ cho công tác phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm được dành cho các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như các chương trình khu vực và song phương.
Hội nghị cấp bộ trưởng lần này là bước phát triển tiếp theo từ hội nghị lần thứ nhất về Đối tác Quốc tế về Cúm Gia cầm và Cúm Đại dịch được tổ chức tại Washington vào năm 2005, và các hội nghị quốc tế sau đó diễn ra tại Bắc Kinh, Viên, Bamako, New Delhi, và Sharm el-Sheikh.
Theo quyết định của Tổng thống Obama hồi tháng 9 năm ngoái về việc Hoa Kỳ sẽ tặng 10% vắc xin H1N1 từ nguồn dự trữ quốc gia cho các nước đang phát triển. Hoa Kỳ cùng với các chính phủ tài trợ khác đã đi đầu trong nỗ lực cung cấp vắc xin H1N1 cho các nước đang phát triển thông qua một chương trình được Tổ chức Y tế Thế giới giám sát.
Hoa Kỳ đã giúp đỡ và viện trợ bằng hiện vật bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, các bộ dụng cụ khử độc và thí nghiệm, trợ giúp nhân đạo và kỹ thuật. Hoa Kỳ cũng trợ giúp điều phối quốc tế, giám sát cúm gia cầm H5N1 ở các cá thể hoang dã có nguy cơ gây bệnh dịch cao, nghiên cứu vắc xin, công tác truyền thông và giáo dục cộng đồng về các nguy cơ cúm gia cầm và đại dịch cúm.
Nguồn: US Department of State
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1