Đường dẫn truy cập

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ: ‘Giới chức VN hiểu những gì tôi nêu ra’


Ông Baer cho biết đã đề cập với giới hữu trách địa phương về tin tức Facebook bị chặn ở Việt Nam.
Ông Baer cho biết đã đề cập với giới hữu trách địa phương về tin tức Facebook bị chặn ở Việt Nam.

Thưa quý vị, một tuần sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu về tự do Internet ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Daniel Baer, đã tới Hà Nội hôm 23/2 và tham gia các hoạt động liên quan đến vấn đề truyền thông xã hội cũng như tự do Internet. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Nguyễn Trung của Ban Việt Ngữ, Đài VOA, ngay sau khi trở về Washington, ông Baer cho biết đã đề cập với giới hữu trách địa phương về tin tức Facebook bị chặn ở Việt Nam. Mời quý vị theo dõi phần một của cuộc trao đổi trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Ông có tài khoản trên Facebook không, và khi tới Việt Nam, ông có thử vào trang này không, thưa ông?

Ông Daniel Baer: Tôi có sử dụng Facebook. Tôi vào được trang này tại khách sạn, nhưng tôi biết một số người không thể vào được trang này từ các nơi khác.

VOA: Truyền thông quốc tế loan tin, Facebook bị chặn ở Việt Nam. Thưa ông, chủ đề cụ thể này có được đem ra trao đổi trong các cuộc họp không?

Ông Daniel Baer: Tôi có nêu vấn đề này trong cuộc thảo luận với giới chức Bộ Thông tin và Truyền thông, dẫn lời quan điểm mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra trước đó rằng, một mạng Internet cởi mở mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Và một phần của vấn đề Internet cởi mở là không được tùy ý hoặc ngầm chặn các trang web. Tôi đã đề cập tới tin tức về chuyện Facebook bị chặn, và vấn đề này đã được nêu ra tại cuộc trao đổi.

VOA: Vậy các giới chức địa phương phản ứng ra sao, thưa ông?

Ông Daniel Baer: Tôi nghĩ họ nghe và hiểu những gì tôi nêu ra.

VOA: Khi ông đề cập tới vai trò tích cực của Internet đối với công cuộc phát triển của Việt Nam, các quan chức chính phủ Việt Nam có ý kiến như thế nào?

Ông Daniel Baer: Chính phủ Việt Nam có lý khi tự hào về tỷ lệ người dùng Internet gia tăng ở Việt Nam, nhưng tôi nêu lên quan điểm rằng tỷ lệ đó chỉ là một phần, bởi lẽ giá trị của Internet chỉ có thể được xác định bởi việc tiếp cận được mạng Internet.

Về mặt nhân quyền, Ngoại trưởng Clinton đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ ủng hộ mạng Internet tự do, liên kết với luồng thông tin tự do, nơi mọi người có thể tự do bày tỏ ý kiến trên mạng mà không sợ bị trừng phạt.

Còn về khía cạnh kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng một mạng Internet như tôi vừa nói sẽ mang lại các lợi ích về lâu về dài, bởi lẽ một mạng Internet tự do nơi các ý kiến được đem ra trao đổi và thảo luận, rồi dẫn tới ý kiến đồng thuận hay thậm chí bất đồng, sẽ giúp dẫn tới sự đổi mới trong nền kinh tế, và mang lại lợi ích phát triển lâu dài.

VOA: Ông từng được Trung tâm mang tên Tổng thống George W. Bush dẫn lời nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama hiện nay coi giá trị của Internet là nơi cung cấp ‘tiếng nói và lựa chọn – tiếng nói nêu ý kiến và lựa chọn trong số các ý kiến đó’. Theo quan điểm của ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với việc quản lý đất nước?

Ông Daniel Baer: Tôi nghĩ rằng lợi ích mà Internet đem lại, đó là giảm bớt chi phí trao đổi thông tin, theo nghĩa là mạng toàn cầu cho phép mỗi chúng ta khả năng truyền đạt và trình bày ý kiến tới nhiều người hơn với giá thành rẻ hơn. Chính bởi lẽ đó, Internet cũng đồng thời giúp chúng ta có nhiều cơ hội chọn lựa từ các ý kiến đó.

Điều này có nghĩa là, tôi có thể dễ dàng tìm thấy 20 ý kiến khác nhau về một vấn đề hay một sản phẩm nào đó, mà thời kỳ trước khó có thể làm được như vậy. Điều thú vị về khả năng truyền tải và lựa chọn các ý kiến nhấn mạnh tới vấn đề quản lý nhà nước dân chủ cũng như một nền kinh tế thị trường.

Internet đã đem lại cơ hội thể hiện ý kiến cũng như giúp dẫn tới việc chọn lựa, và đó là một công cụ quan trọng trong việc điều hành quốc gia một cách dân chủ cũng như là một nền tảng cơ bản cho quá trình cạnh tranh trên thị trường.

Xin cám ơn ông Daniel Baer. Mời qúy vị nghe quan điểm của ông Baer về tuyên bố của Việt Nam đối với vấn đề tự do ngôn luận trong chương trình tuần sau. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG