Thông cáo báo chí của tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam đề ngày 5/1 nhấn mạnh sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước tin bà Bùi Thị Minh Hằng bị Hà Nội tuyên phạt 2 năm giam giữ trong 1 cơ sở giáo dục mà không thông qua xét xử vì bà đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa trong năm 2011.
Tòa đại sứ Mỹ lên án hành động giam người không qua trình tự xét xử thích đáng đi ngược lại những cam kết của chính quyền Việt Nam đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do cho bà Minh Hằng cùng tất cả các tù nhân chính trị và xác lập rằng không công dân nào bị giam cầm chỉ vì họ đã thực thi quyền tự do bày tỏ quan điểm, tập họp ôn hòa, hay bất kỳ quyền con người nào được quốc tế công nhận.
Bà Bùi Thị Minh Hằng có lệnh bị giam 2 năm trong Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm Thanh Hà, một trại cai nghiện khét tiếng ở tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi góp mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và khẳng khái phản đối hành động đàn áp của chính quyền đối với những người biểu tình yêu nước, bà Hằng đã nhiều lần bị sách nhiễu cũng như bị bắt giam.
Ngày 27/11, bà bị bắt tại Sài Gòn khi tới đồn công an đòi thả những người mặc áo NO-U chống chính sách đường lưỡi bò của Trung Quốc sau khi họ tập họp chụp hình lưu niệm tại nhà thờ Đức Bà.
Luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý của bà Minh Hằng, đã nộp đơn khiếu nại, và cho tới nay, ông vẫn chưa được chính quyền cho tiếp xúc với thân chủ của mình. Luật sư Sơn cho Ban Việt Ngữ đài VOA biết:
“Cho tới nay tôi vẫn chưa được gặp chị Hằng mặc dù tôi đã 2 lần có văn bản gửi đến cơ quan quản lý, Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, từ ngày 15/12. Họ vẫn chưa trả lời. Tôi gửi đơn khiếu nại từ ngày 18/12/2011, tới giờ cũng chưa nhận được sự phúc đáp hay hồi âm gì. Chế định về đưa người vào cơ sở giáo dục, tuy không gọi là đưa đi tù, nhưng thực chất đó cũng là cưỡng bức bắt giam, đưa người ta đi cải tạo. Nó trái với hiến pháp 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001 của nhà nước Việt Nam, và cũng trái với Công ước Quốc tế về Dân sự và Chính trị 1966 mà nhà nước Việt Nam đã tham gia năm 1982, quy định không ai có thể bị bắt bớ hay bị cưỡng bức đi giam giữ khi không có phán quyết, không có bản án của một tòa án nào đó.”
Ông Phil Robertson, Giám đốc bộ phận Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng:
“Tống giam bà Minh Hằng không qua xét xử chứng tỏ một sự vi phạm nhân quyền đáng quan ngại và vi phạm những bảo đảm về quyền tự do ngôn luận quy định ngay trong Hiến pháp Việt Nam. Không có biện minh chính đáng nào cho chính quyền Việt Nam khi đưa bà Hằng vào trại cưỡng bức lao động vì bà không làm gì sai, bà chỉ là một người biểu tình ôn hòa.”
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nêu rõ sự hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền vẫn là khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ song phương Việt-Mỹ và Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng các nhân quyền căn bản được cả thế giới công nhận.
Chính phủ Mỹ thường xuyên thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích vô điều kiện tất cả các cá nhân bị tù đày vì đã bày tỏ tư tưởng của mình.