Một số phân tích gia cho rằng Hoa Kỳ đã may mắn thoát khỏi các cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng kể từ các cuộc tấn công bằng máy bay hồi năm 2001 nhắm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài.
Ngày 25/12 năm ngoái, Umar Farouk Abdulmutallab tìm cách kích nổ một quả bom dấu bên trong đồ lót trên chuyến bay từ Amsterdam tới Detroit thuộc bang Michigan, Hoa Kỳ, nhưng trái bom không nổ.
Tương tự, một quả bom cài bên trong một chiếc ô tô trên quảng trường Times Square ở New York hôm 21/6 cũng không phát nổ. Và trong tháng 10 vừa qua, người ta phát hiện các quả bom trong các hộp mực máy in trên hai chiếc máy bay vận tải trước khi nó có thể kích nổ.
Trong một bài diễn văn mới đây, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, ông Michael Leiter, nhấn mạnh các biện pháp chống khủng bố mạnh tay đã làm hạ giảm, tuy không tiêu diệt hẳn, mối đe dọa khủng bố.
Ông Leiter nói: “Bất chấp những thách thức chúng ta đang đối diện, chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Và kết quả, theo tôi, là mối đe dọa của cuộc khủng bố nghiêm trọng nhất, phức tạp nhất hiện nay đã giảm đi đáng kể so với hồi năm 2001. Nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng hiểm họa thì vẫn còn đó.”
Ông Leiter cũng nói thêm là phải thừa nhận rằng tại một thời điểm nào đó, một vài tên khủng bố sẽ tiến hành một cuộc tấn công thành công.
Ông Leiter cho biết: “Tôi đã dành thời gian của mình cho Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, và cơ quan của chúng tôi đã dành thời gian để ngăn chặn mối đe dọa này, nhưng chúng tôi vẫn phải thành thật mà nói là một vài âm mưu nào đó vẫn vuột lưới. Và trong thời đại của mối đe dọa ngày càng phức tạp, đa dạng, của các cuộc tấn công quy mô nhỏ, thì việc tính tới các cá nhân đã bị huấn luyện tư tưởng cực đoan ngay trên đất Mỹ và ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.”
Giới hữu trách và các nhà phân tích cho rằng đã xuất hiện các chi nhánh al Qaida mới, phân quyền hơn, ít chịu sự kiểm soát hoạt động trực tiếp từ các thủ lãnh al-Qaida hơn, cũng như xuất hiện các phần tử cực đoan ngay trên đất Mỹ, tuy ít nhưng đang gia tăng số lượng và khó phát hiện hơn các phần tử bên ngoài.
Người ta tin rằng bộ phận lãnh đạo của al-Qaida đang ẩn nấp đâu đó trong các vùng đất khô cằn của những khu bộ tộc ở Pakistan. Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia nói rằng một vài nhóm nổi lên hoạt động theo cảm hứng từ các thủ lĩnh al-Qaida, thay vì là mệnh lệnh.
Ông Leiter nói tiếp: "Các liên kết này không còn đơn thuần dựa trên các mối liên hệ với giới lãnh đạo cấp cao của al-Qaida ở Pakistan, mà thật ra, họ đã nổi lên như các phong trào và tổ chức tự lực và độc lập hơn. Hiện nay họ vẫn còn các dây mớ rễ má quan trọng với giới lãnh đạo cấp cao của al-Qaida, tôi không muốn hạ giảm tầm quan trọng của thực trạng đó, nhưng trong nhiều trường hợp, đặc biệt như trường hợp của al-Qaida ở bán đảo Ả Rập, họ hoạt động với tính độc lập cao hơn.”
Theo lời các giới chức, như một căn cứ của al-Qaida ở bán đảo Ả Rập, Yemen đang ngày càng nổi lên thành một điểm nóng khủng bố và đang bị giới tình báo chú ý nhiều hơn.
Cựu phó giám đốc CIA, ông John McLaughlin, nói rằng khi công tác kiểm soát phi trường và di trú đã trở nên nghiêm ngặt hơn thì al-Qaida và các tổ chức có cùng tư tưởng tìm cách huấn luyện tư tưởng cực đoan cho công dân hoặc các thường trú nhân ở Hoa Kỳ, những thành phần đi lại trên đất Mỹ dễ dàng hơn.
Ông McLaughlin nói: "Họ đã nghiên cứu những yếu điểm của chúng ta, cũng như nghiên cứu những yếu điểm của chính họ. Họ biết chúng ta bắt họ khi họ du hành hay thông tin liên lạc với nhau. Cho nên bằng cách đưa các kiện hàng lên máy bay, họ không phải du hành hay thông tin liên lạc gì cả. Và họ cũng biết là sẽ tự xuất đầu lộ diện khi du hành bằng các hộ chiếu nào đó. Vì thế cho nên, càng ngày chúng ta càng thấy họ sử dụng ngay chính các công dân Mỹ.”
Tuy nhiên, ông McLaughlin cũng tin rằng về phương diện nào đó, mối đe dọa khủng bố đã mất đi khía cạnh tôn giáo của nó.
Ông McLaughlin cho biết: “Tôi không tin là phần đông trong số những phần tử có dính líu đến hoạt động khủng bố ngày nay có động cơ sâu xa là vì niềm tin tôn giáo như chúng ta tưởng. Tôi cho là khá đông trong số này là vì động cơ căm ghét, cho dù họ sống ở đâu, và sự thu hút của việc trở thành thành viên của một tổ chức dường như cũng là một nguyên nhân. Cho nên, họ gia nhập một tổ chức khủng bố nào đó có những tuyên bố rất kêu và đưa họ lên video hoặc những nơi khác một cách thu hút và đầy kích động.
Cả hai ông McLaughlin và Leiter đồng ý rằng FBI đã tiến bộ trong việc phát hiện và đập vỡ các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra, nhưng họ nói thêm rằng FBI vẫn phải cẩn trọng trong việc thu thập dữ liệu về công dân Mỹ hầu không vi phạm các quyền tự do dân sự hoặc xúc phạm đến sự nhạy cảm của cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ.
Giới hữu trách chống khủng bố tại Hoa Kỳ cho biết họ đã có được tiến bộ lớn trong công tác giảm thiểu khả năng xảy một cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, các giới chức cũng cho biết rằng bản chất của mối đe dọa khủng bố đã thay đổi đáng kể từ năm 2001 tới nay. Thông tín viên VOA Gary Thomas có bài tường trình cuối năm về tình hình tiến triển của hiểm họa khủng bố.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1