Bang giao Mỹ-Syria đã tiến tới một khúc quanh xuống dốc, với sự kiện chính phủ của Tổng thống Bashar Assad cáo buộc Washington là xúi giục các nhóm vũ trang bạo động, và một đám đông ủng hộ chính phủ tấn công đại sứ Hoa Kỳ Robert Ford.
Hôm qua, một đám đông ồn ào khoảng 100 người Syria đã ném cà chua và rác rưới vào đại sứ Mỹ cùng các vị phụ tá vào lúc họ đến trung tâm Damascus thăm ông Hassan Abdelazim, một nhân vật đối lập.
Đại sứ Hoa Kỳ đã lánh mặt vào văn phòng của chính trị gia Syria vào lúc đám đông ủng hộ chính phủ đập cửa và sau đó gây hư hại nặng nề cho các xe cộ của đại sứ quán được phái tới hiện trường.
Nghe nói cảnh sát Syria đã đến chậm hơn 1 tiếng đồng hồ, và đã hộ tống ông Ford cùng các đồng sự trở lại Đại sứ quan, tất cả đều bình yên vô sự.
Đây là sự cố thứ nhì thuộc loại này trong vòng chưa đầy 3 tháng, sau vụ một đám đông hỗn loạn tấn công vào phái bộ Hoa Kỳ hồi tháng 7, và đã khơi ra một phản ứng phẫn nộ từ phía chính quyền Obama.
Tại một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Nigeria Olugbenga Ashiru, ngoại trưởng Clinton lên án điều bà gọi là một mưu toàn “hoàn toàn không thể biện minh được” nhằm dùng bạo lực để hăm dọa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Vụ tấn công không thể tha thứ này rõ ràng nằm trong một chiến dịch hù dọa đang tiếp diễn nhắm không những vào các nhà ngoại giao Mỹ mà cả vào các nhà ngoại giao của các nước khác, các quan sát viên nước ngoài, những người đang nêu nghi vấn về những vì đang xảy ra ở bên trong Syria. Vụ tấn công này phản ánh thành kiến hẹp hòi của chế độ và những người ủng hộ chế độ đó, và hết sức đáng tiếc.”
Chính quyền Obama đã cưỡng lại những lời kêu gọi của Quốc Hội rút đại sứ Ford về để phản đối vụ Syria trấn át người biểu tình mà các giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói đã gây thiệt mạng cho hơn 2.700 người từ hồi tháng 3.
Các giới chức Mỹ nói trong tình hình không có sự hiện diện của các cơ quan truyền thông quốc tế, ông Ford đã liều mình theo dõi các diễn biến và duy trì liên lạc với phe đối lập ở Syria.
Bà Clinton gọi nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ là “một sự hỗ trợ sống còn” cho nguyện vọng của một khối dân chúng bị đặt dưới sự “bủa vây” của chính phủ Assad, và bà hối thúc Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn nhận chức vụ của ông Ford, hiện đang có mặt ở Syria trong với tư cách tạm thời do Tòa Bạch Ốc ủy nhiệm.
Vụ tấn công vào ông Ford trùng hợp với các cáo buộc mới của Syria cho rằng Hoa Kỳ xúi giục các nhóm vũ trang dùng bạo lực chống lại các lực lượng an ninh.
Bộ Ngoại giao Syria nêu bật vụ phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner tuyên bố hồi đầu tuần này rằng những sự cố vừa được báo cáo về việc dùng bạo lực để kháng cự chẳng may lại là “một diễn biến tự nhiên” trước sự “tàn bạo” của chế độ.
Hôm qua, ông Toner nói với các phóng viên rằng lời cáo buộc của Syria là một mưu toan của chính phủ Damascus nhằm lẩn tránh trách nhiệm.
Ông Toner nói: “Đó là một mưu toan khác của chính phủ Damascus muốn đặt vấn đề thành chúng ta chống lại họ, trong khi thực trạng là chính phủ Syria chống lại chính người dân của họ. Và điểm chính yếu thực ra là sự đối đầu giữa lòng can đảm và quyết tâm của dân chúng Syria, những người tiếp tục đứng lên mỗi ngày để bầy tỏ các quyền cơ bản của mình trước sự tàn ác và bạo lực đang diễn ra.”
Tin tức đã cho thấy những người rời bỏ hàng ngũ lực lượng an ninh Syria và các đối thủ có vũ trang khác đã mở các cuộc tấn công vào các đơn vị quân đội tìm cách trấn át các cuộc biểu tình ở những nơi hẻo lánh trong nước.
Tuy nhiên,ông Toner nói đại đa số các đối thủ của chính phủ Assad dường như đểu cam kết kháng cự bằng đường lối bất bạo động, và cũng chống lại những lời kêu gọi can thiệp quân sự của nước ngoài theo kiểu Libya ở Syria.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên án điều bà gọi là một “Vụ tấn công không thể tha thứ được”, nhắm vào đại sứ Hoa Kỳ tại Syria, do một đám đông ủng hộ chính phủ thực hiện vào lúc vị đại sứ này gặp một nhân vật đối lập hồi hôm qua ở Damascus. Syria đổ lỗi cho Hoa Kỳ về khúc quanh bạo động trong những vụ gây rối chống chính phủ.
Đọc nhiều nhất
1