Quyết định của Thượng viện là một thắng lợi quan trọng cho Tổng Thống Barack Obama, vốn vẫn coi các quan hệ với Moscow như một nền tảng của chính sách đối ngoại của ông.
Ông Steven Pifer là một chuyên gia về kiểm soát vũ khí làm việc tại Viện nghiên cứu Brookings. Ông nói:
Ông Pifer nói: “Nếu nhìn lại cuộc tranh chấp với Gruzia và hậu quả sau đó, vào khoảng tháng 9 năm 2008, thì có lẽ đó là điểm thấp nhất trong các quan hệ Mỹ-Nga từ khi Liên bang Sô-viết tan rã hồi năm 1991. Ngày hôm nay, mối quan hệ ấy vững mạnh hơn nhiều, tôi nghĩ Hiệp ước START mới, và nỗ lực mà chính phủ của Tổng Thống Obama đã thực hiện để giải quyết một số quan tâm của người Nga trong tiến trình này, rất là quan trọng trong việc đẩy mạnh quan hệ song phương theo hướng tích cực.”
Ông Pifer nói một quan tâm chủ yếu của Nga là chính phủ của Tổng Thống Bush chỉ muốn hạn chế các đầu đạn hạt nhân mà thôi, chứ không cắt giảm số lượng phi đạn và phi cơ ném bom. Trong khi đó, chính phủ của Tổng Thống Obama sẵn sàng giới hạn các đầu đạn hạt nhân và các phương tiện để chuyển tải các vũ khí ấy. Điều đó dẫn tới các điều khoản chung cuộc trong hiệp ước, giới hạn các đầu đạn hạt nhân chiến lược tầm xa được triển khai ở mức 1,550 đầu đạn. Hiệp ước mới cũng giới hạn số phương tiện chuyển tải vũ khí chiến lược đang được triển khai không được quá mức 700, như các phương tiện phóng tên lửa tầm xa và các phi cơ ném bom hạng nặng.
Đồng thời, thỏa thuận này còn cung cấp cho điều mà chính phủ của Tổng Thống Obama gọi là những biện pháp kiểm chứng chặt chẽ, để đảm bảo mỗi bên phải thực thi các nghĩa vụ của mình đối với hiệp ước.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Lawrence Eagleburger, phục vụ dưới thời Tổng Thống Bush Cha hồi năm 1992, là một người ủng hộ hiệp ước mới với Nga. Ông nói những biện pháp kiểm chứng ấy có tầm quan trọng thiết yếu.
Ông Eagleburger cho biết: “Hơn tất cả mọi thứ, hiệp ước này đem lại cho chúng ta một cơ hội nữa để bảo đảm qua các cơ chế kiểm soát của mình rằng hiệp ước này trên thực tế được người Nga thực thi. Bởi vì có như thế, chúng ta mới có thể kiểm chứng những điều kiện của thỏa thuận, và liệu chúng có được thực thi hay không. Chúng ta chưa hề có được cơ hội đó từ khi hiệp ước START cũ trở nên mất hiệu lực vào khoảng cách đây một năm.”
Tuy nhiên một số Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ trích hiệp ước mới nói rằng các điều khoản về vấn đề kiểm chứng quá yếu ớt. Họ lập luận rằng hiệp ước này sẽ hạn chế những khả năng phòng vệ phi đạn của Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ John Ensign của Đảng Cộng Hòa, đại diện cho bang Nevada phát biểu rằng: “Hoa Kỳ phải có khả năng nhanh chóng thích nghi và phản ứng trước những đe dọa mới đối với nền an ninh của chúng ta. Đây là lúc phải có thêm khả năng răn đe linh động, chứ không phải là lúc nên hạn chế các khả năng này. Hiệp ước START mới đầy rẫy những sự nhượng bộ, mà theo tôi không thấy mang lại lợi ích gì nhiều.”
Quan điểm ấy đã bị các giới chức của chính phủ Tổng Thống Obama bác bỏ.
Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát Vũ Khí, một tổ chức nghiên cứu tư nhân, nói hiệp ước này rất quan trọng, không những cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga mà thôi. Ông giải thích:
Ông Kimball nói: “Hiệp ước này rất hợp lý xét về mặt an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Hiệp ước mới được sự ủng hộ rộng rãi trong quân đội Hoa Kỳ, các thành viên kỳ cựu đặc trách chính sách đối ngoại của cả phe Cộng hòa lẫn phe Dân chủ, của tất cả các vị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, và cả cựu Tổng Thống George Herbert Walker Bush.”
Giờ đây, sau khi Hiệp định START mới đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, các nhà phân tích như ông Steven Pifer, đang hướng về bước kế tiếp trong các cuộc thương thuyết về kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow.
Ông Pifer cho biết: “Khi ký hiệp ước START mới hồi tháng Tư, Tổng Thống Obama đã khẳng định rõ rằng ông muốn tiếp tục, và trong cuộc thương thuyết kế tiếp, xử lý không những các vũ khí chiến lược đã được triển khai, mà còn giải quyết các đầu đạn hạt nhân chiến lược chưa được triển khai, như các đầu đạn hạt nhân còn đang nằm trong các kho, và cùng lúc giải quyết các vũ khí hạt nhân phi chiến lược hoặc chiến thuật. Việc này lần đầu tiên sẽ mở ra một cơ hội cho Hoa Kỳ và Nga thương thuyết những giới hạn về tất cả các vũ khí trong kho vũ khí hạt nhân của mình, ngoại trừ những vũ khí đang chờ được hủy bỏ. Tiến trình thương thuyết này sẽ rất là gay go, bởi vì tất cả các bên sẽ đặt ra những nghi vấn mà họ chưa hề phải giải quyết trước đây. Những thách thức trong việc kiểm chứng sẽ rất lớn.”
Tuy nhiên, trước khi bất cứ cuộc đàm phán nào về việc thương thuyết về vũ khí có thể xảy ra, hiệp ước START mới còn phải được quốc hội Nga, tức viện Duma, phê chuẩn. Các chuyên gia cho rằng điều đó có nhiều phần chắc sẽ xảy ra.
Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn Hiệp ước START mới, tức hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược với Nga. Trong bài tường trình từ Washington, Thông tín viên André de Nesnera của Đài VOA phân tích những điểm chủ yếu trong hiệp ước tài giảm vũ khí chiến lược với Nga.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1