Tại sảnh đường có tên là Spanish Hall được trang hoàng rực rỡ trong dinh Tổng thống trong thủ đô Czech, hai quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân chiếm hơn 90% của toàn thế giới đồng ý cắt giảm kho vũ khí của họ.
Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev ngồi trước hai lá cờ Mỹ và Nga và ký bản hiệp ước tài giảm vũ khí hạt nhân quan trọng trong gần hai thập niên nay.
Tổng thống Obama nói rằng hiệp ước này là một bước quan trọng cho an ninh của thế giới:
“Ngày hôm nay là một dấu mốc quan trọng cho an ninh hạt nhân, cho thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như cho mối liên hệ Mỹ-Nga.”
Qua một thông dịch viên, Tổng thống Medvedev nói rằng vì có hiệp ước này, toàn thể cộng đồng thế giới đã đạt được thắng lợi.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm là những cuộc thương thuyết kéo dài trong một năm thật là gay go, nhưng những cố gắng vượt bực của hai phía đã đem lại thành công. Ông nói:
“Việc này đã giúp chúng ta làm được những gì mà cách đây vài tháng tưởng như là một nhiệm vụ không thể nào thực hiện được. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã chuẩn bị xong một hiệp ước hoàn toàn đầy đủ và đã ký hiệp ước này.”
Hiệp ước mới có hiệu lực trong 10 năm đòi hỏi Hoa Kỳ và Nga cắt giảm kế hoạch đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.500 trong vòng 7 năm. Cả hai nước ước tính hiện nay mỗi bên có chừng hơn 2.000 đầu đạn hạt nhân.
Hiệp ước cũng cắt giảm hơn 1/2 số tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom để mang vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Obama nói rằng thêm vào đó, hiệp ước cũng mở đường cho những cuộc thương thuyết trong tương lai về việc cắt giảm vũ khí với Nga, chủ yếu là những vũ khí hạt nhân tầm ngắn. Nhà lãnh đạo Mỹ nói:
“Hiệp ước này sẽ chuẩn bị cho việc cắt giảm nhiều hơn nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ theo đuổi những cuộc thương thảo với Nga về việc cắt giảm cả hai loại vũ khí chiến lược và chiến thuật, gồm cả những loại vũ khí chưa được bố trí.”
Ông Tom Collina, Giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nói rằng hiệp ước mới này có ý nghĩa trong việc giảm bớt mối đe dọa về vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, nhưng có ý nghĩa hơn nữa vì nó có thể dẫn đến những việc cắt giảm trong tương lai. Ông Collina phát biểu:
“Chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể đi đến việc cắt giảm nhiều hơn nữa và hy vọng là hai nước sẽ ký một hiệp ước nữa tiếp sau hiệp ước này khá sớm. Tuy nhiên hiệp ước này là một bước tiến thật dài. Hiệp ước này rất quan trọng và đưa việc kiểm soát vũ khí của Mỹ và Nga trở về một nền tảng vững chắc và đưa đến những việc cắt giảm sâu rộng hơn nữa.”
Hiệp ước này thay thế hiệp ước Tài Giảm Võ khí Chiến Lược năm 1991 do Tổng Thống Hoa Kỳ George H. W. Bush và Tổng Thống Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev ký kết vào những ngày cuối cùng của Liên Xô.
Việc ký kết hiệp định “START Mới” là một trong số nhiều diễn biến về kiểm soát võ khí diễn ra trong nhiều tuần lễ.
Hồi đầu tuần này, Tổng Thống Obama đã loan báo một sự chuyển hướng quan trọng trong chính sách hạt nhân của Hoa Kỳ.
Ông nói rằng đây là lần đầu tiên mà vấn đề cấm phổ biến võ khí hạt nhân và vấn đề khủng bố bằng võ khí hạt nhân được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ về hạt nhân.
Mối đe dọa bị tàn phá bởi đầu đạn hạt nhân của Nga giờ đây được coi như mối đe dọa thứ yếu.
Theo kế hoạch duyệt lại vấn đề võ khí hạt nhân của Tổng Thống Obama, Hoa Kỳ cam kết không sử dụng võ khí hạt nhân đối với những nước không có võ khí hạt nhân, tuân thủ nghĩa vụ không phổ biến võ khí hạt nhân của họ.
Ông Frank Gaffney, một cựu cố vấn về kiểm soát võ khí của Tổng Thống Ronald Reagan, nói rằng, kế hoạch duyệt lại chính sách hạt nhân của Tổng Thống được dựa trên một tiền đề sai lạc và nguy hiểm. Ông Gaffaney nói:
“Ý kiến cho rằng, bằng cách giảm thiểu kho võ khí hạt nhân của Hoa Kỳ ông có thể đóng góp vào việc bãi bỏ võ khí hạt nhân trên toàn thế giới là nguy hiểm. Việc đó sẽ không xảy ra. Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra.”
Trong cuộc họp kéo dài 1 giờ 30 phút trước lễ ký kết, Tổng Thống Obama đã kêu gọi ông Medvedev ủng hộ cho các biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc đối với Iran vì nước này đã không đình chỉ hoạt động tinh chế uranium.
Nhà lãnh đạo Nga đã nói qua một qua thông dịch viên rằng, vấn đề không phải là có áp đặt lệnh trừng phạt hay không mà là loại trừng phạt nào:
“Loại trừng phạt khôn ngoan phải có khả năng động viên các bên hành động thích đáng, và tôi tin rằng phái bộ công tác của chúng tôi tham gia những cuộc tham khảo ý kiến sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.”
Hiệp định về võ khí hạt nhân hầu như chắc chắn sẽ được phê chuẩn tại viện Duma của Nga.
Tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng chính phủ Moscow dành quyền rút ra khỏi hiệp định nếu Nga tin rằng kế hoạch phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ cho Châu Âu đe dọa tới nền an ninh của Nga.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng, hiệp định này có được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua hay không là điều chưa chắc chắn, nhưng có những triển vọng tốt.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ký một hiệp ước cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của hai nước từ 25% đến 30% trong vòng 7 năm.