Đường dẫn truy cập

Mỹ: Hệ thống phòng thủ phi đạn ở châu Âu không phải là mối đe dọa đối với Nga


Phó phát ngôn viên Mark Toner nói trọng điểm của Hoa Kỳ là hợp tác, là khẳng định rõ với giới hữu trách Nga rằng đây không phải là một hệ thống hướng vào Nga
Phó phát ngôn viên Mark Toner nói trọng điểm của Hoa Kỳ là hợp tác, là khẳng định rõ với giới hữu trách Nga rằng đây không phải là một hệ thống hướng vào Nga

Hoa Kỳ nhắc lại rằng hệ thống phòng thủ phi đạn hoạch định cho châu Âu, nhắm vào Iran, sẽ không đe dọa đến khả năng phòng thủ phi đạn chiến lược của Nga. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev hôm qua cảnh báo rằng Moscow sẽ có các biện pháp phản hồi chống lại hệ thống của Hoa Kỳ đang được khai triển với NATO.

Chính quyền Obama một lần nữa trấn an Nga về kế hoạch phòng thủ phi đạn nhưng cũng nói rằng dự án đang được xúc tiến thuận lợi và sẽ không bị hạn chế hay thay đổi.

Các nhận định từ Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra sau một bài diễn văn của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong đó ông lập lại những lời đe dọa của Moscow chống lại chương trình bằng cách đặt phi đạn ở gần các nước NATO và có thể từ bỏ hiệp ước mới về Tài giảm Vũ khí Chiến lực Nga-Mỹ, tức New-START.

Các kế hoạch của Hoa Kỳ thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn ở châu Âu để chống lại điều mà Hoa Kỳ coi là một mối đe dọa mới nổi lên từ Iran lâu nay vẫn là một điểm gây khó chịu trong bang giao với Moscow.

Năm 2009, chính quyền Obama đã bãi bỏ các kế hoạch lập một hệ thống radar và thiết bị nghênh cản đặt tại nước cộng hòa Czech để chuyển sang một dự án ít tham vọng hơn với các địa điểm ở Ba Lan, Romania và có thể các nước NATO khác.

Nhưng bài phát biểu được truyền hình hôm qua của ông Medvedev cho thấy rõ là Moscow vẫn còn lo ngại. Ông Medvedev lập lại một lời đe dọa sẽ đáp lại kế hoạch của Hoa Kỳ bằng phi đạn đặt trong khu Kalinigrad vùng Baltic của Nga và nói rằng vụ tranh chấp này có thể là “cơ sở” để Moscow từ bỏ hiệp ước START mới.

Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Tommy Vietor, cho biết Nga đã được nhiều lần bảo đảm rằng hệ thống dự kiến sẽ không và không thể đe dọa đến kho vũ khí chiến lược to lớn của Nga, và rằng Hoa Kỳ sẽ không hạn chế hay thay đổi chương trình dưới bất cứ hình thức nào.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mark Toner nói một đề nghị của Hoa Kỳ đưa Moscow vào chương trình chống phi đạn vẫn có hiệu lực và rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn có cam kết với các quan hệ được cải thiện nói chung.

Ông Toner nói: “Chúng ta đã thấy các lời bình này trước đây. Một lần nữa, trọng điểm của chúng ta là hợp tác, là khẳng định rõ với giới hữu trách Nga rằng đây không có cách nào là một hệ thống hướng vào Nga. Hệ thống nhắm vào một mối đe dọa, như tôi đã nói, vào các đồng minh của chúng ta ở châu Âu và ở Nga, và đúng ra mối đe dọa phát xuất từ Iran.”

Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Bruce McDonald, một cố vấn kỳ cựu tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, nói rằng Moscow nhậy cảm một cách dễ hiểu về bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với khả năng phòng thủ chiến lược của họ mà theo ông, góp phần khẳng định vị thế đại cường của Nga.

Nhưng người từng làm phụ tá ở Tòa Bạch Ốc và Quốc hội này nói rằng các mối quan ngại của Nga về kế hoạch phòng thủ phi đạn phần lớn là không hợp lý.

Ông McDonald nói: “Phía Nga rất tôn trọng các khả năng kỹ thuật của chúng ta, và theo tôi, họ có hơi nhậy cảm quá đáng về vấn đề này. Và họ đang tưởng tượng ra những chuyện cực kỳ khó có thể xảy ra. Chúng ta sẽ không bất chợt khai triển một hệ thống phòng thủ phi đạn khổng lồ. Giả thiết rất khó có thể xảy ra là nếu chúng ta làm như thế, thì họ cũng có dư thời giờ để điều chỉnh hay phản ứng, bởi lẽ việc đó sẽ phải mất nhiều thời gian.”

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết ông rất lấy làm thất vọng về các nhận định của ông Medvedev mà ông cho là không phù hợp với mối quan hệ chiến lược mà Nga và NATO đã đồng ý theo đuổi.


VOA Express

XS
SM
MD
LG