Trước khi Hoa Kỳ và Nga ký hiệp ước năm 1991 về tài giảm vũ khí chiến lược hay thường được gọi là START, cả hai nước đều có hàng chục ngàn đầu đạn hạt nhân, Hiệp ước bắt buộc phải giảm số đầu đạn này còn ở mức khoảng 6.000 mà thôi.
Để tìm cách giảm bớt sự căng thẳng với Moscow, Ngoại trưởng Hillary Clinton hứa làm việc chặt chẽ với Nga để ký một thỏa ước mới giảm số đầu đạn hạt nhân nhiều hơn nữa.
Bà tuyên bố tại Geneva 9 tháng trước khi START hết hạn vào tháng 12 năm 2009.
“Có nhiều việc cần phải làm. Chúng tôi nghĩ đây là một khởi đầu mới mẻ, không những chỉ cải thiện mối quan hệ song phương giữa hai bên nhưng cũng phải dẫn đầu thế giới trong những lãnh vực quan trọng, đặc biệt đối với vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân.”
Trong chuyến đi thăm Moscow tháng 7 năm ngoái, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố là Hoa Kỳ và Nga cần phải nêu gương giảm thiểu mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Sau đó ông thông báo về những tiến triển nhằm vào mục đích đó dù rằng hiệp ước START đã hết hạn.
Ông Viktor Litovkin, một một chuyên viên phân tách người Nga và là phụ tá biên tập của Tạp chí Independent Military Review cho biết là có nhiều vấn đề đã làm cho thỏa ước này bị ngưng trệ.
Ông Litovkin nói rằng những vấn đề đầu tiên liên hệ đến việc kiểm chứng, tính minh bạch và biện pháp kiểm soát - kiểm soát sự tương đương. Ông cho biết một trở ngại khác là mối liên hệ giữa vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược.
Hiệp ước mới theo dự kiến sẽ giảm số lượng đầu đạn của mỗi nước xuống còn khoảng 1.500.
Các hệ thống để phóng đi, như phi đạn và phi cơ thả bom, cũng sẽ bị giới hạn.
Thỏa thuận này đã nâng cao mức trông đợi về triển vọng có thể đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực tài giảm vũ khí trong những năm sắp tới.
Trong suốt quá trình thương thuyết, Moscow đã bày tỏ quan ngại về khả năng một hệ thống phòng chống phi đạn của Mỹ tại Trung Âu - như cựu Tổng Thống George W. Bush đề nghị, có thể vô hiệu hóa các vũ khí tấn công của Nga.
Moscow vẫn nêu lên các quan tâm này bất chấp những lời trấn an của phía Hoa Kỳ rằng hệ thống phòng chống phi đạn của Hoa Kỳ chỉ nhắm mục đích tự vệ chống lại Iran.
Tổng Thống Obama đã thay đổi sắp xếp lại hệ thống phòng thủ này, và dời một số bộ phận đến gần Iran hơn.
Muốn được thông qua, hiệp ước này cần có được 67 lá phiếu trong cuộc biểu quyết tại Thượng viện Hoa Kỳ. Vì quan tâm đến lập trường chống đối của Đảng Cộng Hòa đối với bất cứ thỏa thuận nào có thể hạn chế hệ thống phòng thủ phi đạn tại Châu Âu, các nhà thương thuyết Mỹ đã giữ lập trường cương quyết về vấn đề này với các nhà thương thuyết của Nga.
Hồi năm ngoái tại Geneva, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã trấn an Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton rằng nước ông có cùng một mục tiêu với Hoa Kỳ chống phổ biến vũ khí hạt nhân, kể cả vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược năm 1991 (START 1) phải mất đến 400 ngày mới được phê chuẩn.
Nhưng dù cho số phận của hiệp ước START mới ra sao đi chăng nữa, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon mới đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng tức thời của hiệp ước này. Ông phát biểu:
“Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới sẽ có ảnh hưởng tích cực rất mạnh đến hội nghị thượng đỉnh về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân sắp diễn ra tại Washington, cũng như đến hội nghị tái thẩm định Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân được tổ chức ở New York vào tháng Năm năm nay”.
Sự thành công của các hội nghị ấy, theo lời ông Tổng thư ký Ban Ki-moon, có thể giúp cả thế giới sống an tâm, mà không phải lo sợ về nguy cơ vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ và Nga cho biết một hiệp ước mới về vũ khí chiến lược sẽ được chính thức loan báo sau khi Tổng thống của hai nước đã nói chuyện với nhau về hiệp ước này. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Nga nói là cuộc đàm luận này sẽ diễn ra sớm. Một hiệp ước mới sẽ giúp cho Tổng thống Obama có được một lời lạc quan tại hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân được tổ chức tại Washington trong hai ngày 12 và 13 tháng Tư tới đây. Hiệp ước trải qua những cuộc thương nghị khó khăn và nhiều vấn đề khác có thể sẽ nẩy sinh một khi hiệp ước này được đưa ra thảo luận trước Thượng viện Hoa Kỳ để được phê chuẩn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1