Khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thông báo việc đấu thầu để thay thế đội phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không đã cũ kỹ thì ít ai nghĩ tới những vấn đề quốc tế mà việc đó sẽ tạo ra.
Chuyên viên tư vấn kỹ thuật hàng không, ông Richard Aboulafia, thuộc công ty Teal Group có trụ sở tại Virginia nói:
“Một số phi cơ được thiết kế để tiếp tế nhiên liệu cho các phi cơ phản lực trong lúc đang bay này đã hoạt động từ hơn 50 năm nay. Thậm chí nếu ta bắt đầu thay thế chúng ngay bây giờ thì đến khi ta có được chiếc cuối cùng, máy bay đó cũng đã hoạt động được 75 năm rồi.”
Công ty Northrop của Mỹ hợp tác với công ty EADS, là công ty mẹ của công ty Airbus của châu Âu, đã đăng ký đấu thầu để tranh với công ty Boeing của Mỹ.
Nhưng khi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thay đổi những đặc điểm kỹ thuật cho đơn đặt hàng này thì công ty Boeing đã trở thành công ty duy nhất đủ điều kiện đấu thầu một hợp đồng mà nghe nói có thể trị giá tới 50 tỉ đô la.
Mới đây, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tố cáo Hoa Kỳ áp dụng đường lối bảo hộ mậu dịch. Ông nói:
“Đây không phải là cách đúng đắn để Hoa Kỳ đối xử với các đồng minh của mình, và đây cũng không phải là cách xử sự đúng đắn mà Hoa Kỳ nên có bởi vì Mỹ là một nước lớn, một nước hàng đầu trên thế giới.
Các giới chức Pháp nói rằng, ông Sarkozy sẽ thảo luận về vấn đề vừa kể khi gặp Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng này.
Pháp đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu, trong đó có Thủ Tướng Anh, ông Gordon Brown:
“Tôi cũng thất vọng về quyết định của Hoa Kỳ và tôi cũng bày tỏ quan điểm của chúng tôi về chuyện này cho mọi người biết. Chúng tôi tin tưởng ở tự do mậu dịch. Chúng tôi tin tưởng ở các thị trường tự do. Chúng tôi tin tưởng ở cạnh tranh công khai.”
Trong khi một số người nói rằng quan điểm của Tổng thống Pháp là chính đáng, chuyên viên Aboulafia lại tin rằng lợi thế dành cho công ty Boeing có tính cách chính trị nội bộ của Hoa Kỳ hơn là đường lối bảo hộ mậu dịch. Ông nói:
“Rốt cuộc thì người ta nghĩ tới ảnh hưởng của những công ăn việc làm mà hợp đồng đó mang lại. Công ty Boeing có trụ sở ở Chicago và Seattle, nơi có nhiều đảng viên Dân chủ. Còn công ty Northrop đóng đô ở Alabama, một trong những thành trì của đảng Cộng hòa. Ta có thể suy nghĩ hợp lý rằng trước tình hình đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ Viện, Thượng Viện, và nắm quyền hành pháp - thì hợp đồng chế những máy bay này có nhiều phần chắc sẽ về tay Boeing.”
Một số người nói rằng, lý luận của các nước châu Âu không có bao nhiêu trọng lượng bởi vì chính phủ Pháp không bao giờ mua một sản phẩm quân sự của Hoa Kỳ khi có sẵn một sản phẩm tương đương của Pháp.
Nhưng chuyên viên Aboulafia cảnh báo rằng, vấn đề này có thể gây ra những khó khăn cho một số nhà sản xuất Hoa Kỳ:
“Tôi nghĩ rằng mối e ngại thật sự ở đây là các nước Châu Âu sử dụng khía cạnh bảo hộ mậu dịch như là một cái cớ để đóng cửa biên giới của chính họ và tiếp theo là chắc sẽ có thêm các quốc gia EU mua võ khí của Châu Âu thay vì Hoa Kỳ. Có mối nguy hiểm thật sự về chuyện đó.”
Nếu Boeing trúng thầu hợp đồng này thì phi cơ quân sự cũng chỉ là một phần nhỏ trong những đơn đặt hàng các phi cơ dân dụng.
Ngày càng có nhiều nhu cầu trên khắp thế giới về những máy bay lớn hơn, ít tốn nhiên liệu hơn. Nhu cầu đó chắc chắn sẽ là vấn đề khiến các nhà sản xuất ở cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ phải dồn tâm huyết để cạnh tranh.
Chuyến viếng thăm chính thức của Tổng Thống Pháp tới thủ đô Washington được dự trù vào cuối tháng Ba này có thể sẽ bị lu mờ vì những cáo buộc của Châu Âu về đường lối bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong một cuộc đấu thầu mới đây giữa các công ty Mỹ và châu Âu.
Đọc nhiều nhất
1