Cuộc hội đàm của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton với Thủ Tướng Michael Somare của Papua New Guinea bao gồm nhiều vấn đề - từ quan tâm về môi trường, tới các quyền của phụ nữ và việc quản trị đất nước tại Papua New Guinea, quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú nhưng vẫn còn nghèo về kinh tế .
Chuyến viếng thăm của bà Clinton nằm trong chính sách tái chú trọng tới khu vực đã nhận được thêm trợ giúp của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ngoại trừ Australia và New Zealand, hầu hết các quốc gia trong vùng Nam Thái Bình Dương là những nước nhỏ và nghèo. Một số ít các nước không ổn định về phương diện chính trị và nhiều đảo quốc bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao.
Viện Chính Sách Quốc Tế Lowy ở Sydney ước tính rằng vào năm 2008, Trung Quốc đã hứa cung cấp cho 8 nước nhỏ trong vùng Thái Bình Dương này 206 triệu đô la tài trợ và những khoản cho vay.
Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, tức USAID, chỉ cung cấp có 3,6 triệu đô la.
Bà Clinton nói rằng, sự kiện đó sẽ thay đổi; năm tới, USAID sẽ mở một văn phòng tại Fiji với một quỹ 20 triệu đô la, giúp chống hiện tượng biến đổi thời tiết.
Đây sẽ là sự hiện diện đầu tiên của USAID trong vùng này từ 16 năm nay. Người ta tin là đảo quốc Fiji đang do quân đội nắm quyền sẽ là nước nhận được viện trợ nhiều nhất của Trung Quốc trong vùng này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói:
“Chúng ta làm việc qua Diễn Đàn Đảo Quốc Thái Bình Dương để ủng hộ cho những nước trong vùng này khi họ phấn đấu để thật sự đối phó và giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải trước tình trạng biến đổi khí hậu và quyền tự do lưu thông trên biển.”
Ông Allan Patience, một giáo sư trường đại học Sophia ở Tokyo và cũng là một chuyên gia về các quốc gia Nam Thái Bình Dương, nói rằng vẫn chưa quá trễ để Hoa Kỳ tham gia vùng này:
“Vẫn còn nhiều người nghĩ rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ là quan trọng nhưng Hoa Kỳ đã lơ là đối với vùng này. Chính Trung Quốc cũng có một số vấn đề, ví dụ một số quốc gia Thái Bình Dương đòi hỏi quá nhiều và không sẵn sàng làm theo những gì Trung Quốc muốn họ phải làm. Một thí dụ điển hình là trường hợp Fiji, nước đã dựa vào Trung Quốc để chống lại một số các nước khác trong vùng, đặc biệt là Australia và New Zealand, phản đối quân đội Fiji chiếm quyền mấy năm trước đây. Australia và New Zealand đã cắt giảm viện trợ của họ, gây khó khăn cho Fiji, và Fiji đã quay sang nhờ Trung Quốc.”
Australia vốn là một cường quốc truyền thống trong vùng, cung cấp khoảng một tỉ đô la viện trợ trong năm nay. Nhưng quan hệ với các nước láng giềng của họ đôi khi căng thẳng bởi Australia nhất quyết đòi phải thực hiện những cải tổ về chính trị và kinh tế.
Giáo sư Patience nhận định dè dặt rằng các chính trị gia tại Papua New Guinea có thể sử dụng chuyến viếng thăm của bà Clinton để củng cố tích cách hợp pháp của họ, mặc dầu có những cáo buộc về tham nhũng tràn lan và vi phạm nhân quyền.
Năm nay, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã xếp Papua New Guinea vào số những nước tham nhũng nhất thế giới.
Khoảng một nửa thâu nhập của nước này đến từ hoạt động khoan dầu và khai thác mỏ kim loại như đồng và vàng, những hoạt động mà các nhà bảo vệ môi trường nói rằng sẽ tàn phá khối sinh vật đa dạng và phong phú của quốc gia.
Công ty dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil điều hành một dự án khí đốt có thể bơm 30 tỷ đô la vào chính phủ Papua New Guinea trong 30 năm.
Sau Papua New Guinea, bà Clinton sẽ tới New Zealand.
Ông Kurt Cambell, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề vùng Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Hoa Kỳ sẽ tái cam kết, thắt chặt quan hệ với New Zealand, mà ông nói là đã không nhận được chú ý nhiều trong 25 năm qua kể từ khi New Zealand cấm các tầu chạy bằng năng lượng hạt nhân hay tầu chở võ khí hạt nhân đi vào lãnh hải của họ. Ông Cambell nói:
“Ở đó chúng tôi sẽ đưa ra cái gọi là Tuyên Ngôn Wellington trong đó nhấn mạnh tới ước vọng của chúng ta được thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và New Zealand trở lại quan trọng đáng kể trên phương diện hợp tác về một loạt các vấn đề như không phổ biến võ khí hạt nhân, chính trị, biến đổi khí hậu, và phương cách hợp tác với nhau. Và dĩ nhiên chúng tôi sẽ rất cám ơn về những công việc và sự giúp đỡ mà New Zealand đã cung cấp cho chúng tôi và các quốc gia khác tại Afghanistan.”
Từ New Zealand, bà Clinton sẽ đi Australia, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ có quân đội phục vụ tại Afghanistan.
Ngoại Trưởng Hillary Clinton và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates của Hoa Kỳ sẽ gặp Thủ Tướng Julia Gillard, Ngoại trưởng Kevin Rudd và Bộ Trưởng Quốc Phòng Stephen Smith của Australia để dự lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày diễn ra hội nghị bộ trưởng thường niên của hai nước.
Một số nhà phân tích chính trị Australia nói rằng, Australia đang bị kẹt giữa Washington và Bắc Kinh. Nhu cầu của Trung Quốc về tài nguyên của Australia đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Australia và quan hệ với Bắc Kinh đã trở nên thân cận hơn trong những năm gần đây.
Nhưng một phúc trình của Bộ Quốc Phòng Australia đưa ra hồi tháng trước cảnh báo rằng sự gia tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc sẽ thay đổi cán cân quyền lực tại Châu Á trong khi Hoa Kỳ gặp phải những áp lực về ngân sách quốc phòng.
Trong những năm gần đây, các mỏ của Australia là một trong những nguồn cung cấp quặng sắt và các nguyên liệu khác cho Trung Quốc.
Nhưng ngay cả trong trường hợp quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Australia đang nở rộ, nhiều giới chức Australia và các nhà phân tích vẫn lo ngại về sự gia tăng thế lực của Trung Quốc trong vùng.
Ngoại Trưởng Clinton sẽ kết thúc chuyến du hành Châu Á của bà tại Samoa, vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Nam Thái Bình Dương bị tàn phá bởi trận sóng thần năm 2009.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng, Hoa Kỳ sẽ gia tăng hoạt động hợp tác an ninh và phát triển với các nước trong vùng Nam Thái Bình Dương. Bà Clinton viếng thăm Papua New Guinea hôm Thứ Tư, rồi sau đó là New Zealand và Australia. Theo thông tín viên Heda Bayron tường thuật từ Hồng Kông thì sự tái tham gia của Hoa Kỳ đã diễn ra khi Trung Quốc chú ý nhiều hơn tới vùng này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1