Các giới chức ở Washington chấp thuận một bản phúc trình quốc tế, với kết luận rằng một quả ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã làm chìm một tàu chiến của Nam Triều Triên hồi tháng Ba.
46 thủy thủ Nam Triều Tiên đã thiệt mạng trong một thảm họa quân sự tồi tệ nhất kể từ khi hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Bắc Triều Tiên bác bỏ cáo buộc nước này gây ra vụ chìm tàu, đồng thời tuyên bố rằng một sự trả đũa đồng nghĩa với một cuộc chiến toàn diện.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs nói rằng Hoa Kỳ đang hội ý với Nam Triều Tiên, các quốc gia châu Á láng giềng của nước này, cùng với Liên Hiệp Quốc về cách thức phản ứng.
Bắc Triều Tiên hiện vẫn chịu lệnh trừng phạt vì các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân hồi năm ngoái. Ông Gibbs nói rằng việc gây ra vụ đắm tàu Nam Triều Tiên sẽ làm Bắc Triều Tiên bị cô lập hơn trước cộng đồng quốc tế.
Ông Gibbs nói: “Hành động hồi năm ngoái (của Bắc Triều Tiên) đã dẫn tới những lệnh trừng phạt nặng. Còn hành động gây hấn lần này, rõ ràng vi phạm lệnh đình chiến, đã đẩy họ lùi thêm một bước nữa và ngày càng cô lập họ.”
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ P.J.Crowley nói rằng sẽ có những hậu quả về vụ tấn công, mà ông cho là đã gây ra căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và còn xa hơn nữa.
Ông Crowley nói: “Đây là một hành động gây hấn, vô lý khi không bị kích động của Bắc Triều Tiên. Dĩ nhiên chúng tôi luôn luôn quan ngại rằng những hành động phi lý như thế này của Bắc Triều Tiên nhiều khả năng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn”.
Hôm qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã bắt đầu chuyến công du Châu Á. Ông Crowley nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ nằm cao trong nghị trình khi bà gặp các giới chức ở Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên.
Chủ tịch Ban Tham mưu liên quân, Đô đốc Mike Mullen, nói rằng lực lượng Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên và các nước phụ cận chưa bị đặt trong tình trạng báo động cao hơn kể từ vụ tấn công. Tuy nhiên, theo lời sĩ quan cấp cao nhất của quân đội Hoa Kỳ, các giới chức quân sự vẫn đề cao cảnh giác.
Ông Mullen cho biết: “Tất cả chúng tôi đều tập trung vào khu vực đó, vào sự ổn định cần phải duy trì tại khu vực đó, và đồng thời, rất tập trung vào việc hỗ trợ cho đồng minh vững mạnh của chúng ta ở Nam Triều Tiên”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nói rằng Nam Triều Tiên sẽ đi đầu trong việc quyết định về hình thức đối phó với tình thế.
Ông Gates nói: “Đây là một vụ tấn công một tàu chiến Nam Triều Tiên, và người Nam Triều Tiên cần phải đi đầu trong việc đề xuất các phương thức tiếp theo”.
Hoa Kỳ hiện có 28.000 binh sĩ đồn trú ở Nam Triều Tiên, nhưng các giới chức ở Washington đang tỏ ra thận trọng.
Tại Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên P.J.Crowley nói rằng Hoa Kỳ không muốn chứng kiến bán đảo Triều Tiên bùng nổ.
Hoa Kỳ gọi vụ làm chìm tàu chiến Nam Triều Tiên do Bắc Triều Tiên gây ra là một hành động gây hấn, và điều này sẽ ngày càng làm Bình Nhưỡng bị cô lập. Nhưng như theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Kent Klein từ Tòa Bạch Ốc, các giới chức hàng đầu của Hoa Kỳ không gọi cuộc tấn công của Bình Nhưỡng là một hành động gây chiến hay hành động khủng bố được nhà nước bảo trợ.