Trong năm vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai cuộc tấn công quân sự nhắm vào Nam Triều Tiên - một là vụ đánh chìm một chiến hạm hồi tháng Ba và hai là vụ pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên. Bắc Triều Tiên cũng công bố một chương trình tinh chế uranium có thể mang lại cho Bình Nhưỡng nhiên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đảng viên Dân chủ John Kerry đại diện bang Connecticut, cho rằng các nguy cơ từ việc duy trì tình trạng hiện thời đối với Bắc Triều Tiên là nghiêm trọng.
Ông Kerry nói: “Bắc Triều Tiên rõ ràng đang tiến hành chế tạo thêm các vũ khí hạt nhân và phi đạn. Nước này còn có thể xuất khẩu công nghệ hạt nhân, thậm chí là nhiên liệu hạt nhân. Và hành động vi phạm lệnh đình chiến kế tiếp có thể dễ dàng leo thang thành tình trạng chiến tranh, đe dọa các quyền lợi và các đồng minh của Hoa Kỳ.”
Ông Kerry đã phát biểu như vậy ngày hôm qua, trong phiên điều trần về Bắc Triều Tiên tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Thượng nghị sĩ này nói rằng Bắc Triều Tiên vẫn là một mối quan ngại cấp bách, mặc dù thế giới đang chú tâm tới các sự kiện lan tràn khắp thế giới Ả rập cũng như ảnh hưởng của chúng với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Ông Kerry cho biết: “Cho tới nay, các sáng kiến của cộng đồng quốc tế chưa làm ổn định tình hình mà cũng chẳng đem lại được sự thay đổi đường lối ở Bắc Triều Tiên.”
Ông Richard Lugar, thượng nghị sĩ hàng đầu của phe Cộng hòa trong Uûy ban Đối Ngoại, đại diện tiểu bang Indiana, nói rằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên không rõ ràng, dù chính phủ Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với Seoul để đáp lại các hành động gây hấn của Bình Nhưỡng.
Ông Lugar cho rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để chấm dứt việc phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Lugar nói: "Nguy cơ công nghệ hạt nhân nhạy cảm, các bộ phận vũ khí hay thậm chí là vũ khí được chuyển giao ra khỏi Bắc Triều Tiên cho các mục đích địa chính trị hay vì lợi ích riêng của nước này là một mối đe dọa ngang bằng thậm chí lớn hơn so với khả năng chế tạo phi đạn của Bắc Triều Tiên."
Ông Lugar chỉ rõ rằng Bắc Triều Tiên có một mạng lưới hơn 200 công ty hỗ trợ nỗ lực đạt được các công nghệ quân sự, và rằng các tin tức cho thấy mạng lưới này đang được sử dụng để chuyển giao công nghệ hạt nhân.
Nhà ngoại giao hàng đầu về vấn đề Đông Á Kurt Campbell và đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên Stephen Bosworth lặp lại quan ngại của Uûy ban về vấn đề phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trả lời trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ôâng Campbell nhận định rằng dù cần phải hành động nhiều hơn, Hoa Kỳ đã đạt được những thành công nhất định trong việc ngăn chặn Bắc Triều Tiên phổ biến hạt nhân.
Ông Campbell nói: "Trong năm ngoái, một số quốc gia trước đây chưa từng tham gia giúp Hoa Kỳ ngăn chặn việc chuyển các mặt hàng bất hợp pháp từ Bắc Triều Tiên sang các địa điểm ở châu Á hoặc ở Trung Đông đã giúp đỡ chúng ta từ chối các chuyến hàng như vậy."
Nhưng cả ông Bosworth và Campbell đều nhấn mạnh rằng việc đầu tiên là Bình Nhưỡng cần phải chứng tỏ quyết tâm cải thiện quan hệ với Seoul, tiến hành biện pháp dứt khoát nhằm phi hạt nhân hóa và chấm dứt thái độ khiêu khích thì lúc đó các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên mới có thể tiếp tục.
Ông Bosworth nói trước ủy ban của thượng viện rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán với Bắc Triều Tiên cũng như cân nhắc việc tái tục viện trợ lương thực, sau khi có các tin tức cho biết rằng tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng có thể dẫn tới nạn đói và suy dinh dưỡng.
Ông Bosworth nói: “Chúng ta luôn phân biệt viện trợ nhân đạo với các vấn đề chính trị. Nhưng chúng ta chỉ cung cấp viện trợ lương thực khi thấy có nhu cầu rõ ràng, và trong tình huống chúng ta có thể theo dõi xem viện trợ lương thực được sử dụng ra sao, ai là người nhận, và nguồn hỗ trợ đó có đến được với người dân, tức là chủ đích của chúng ta hay không.”
Chính phủ Hoa Kỳ đình chỉ viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên năm 2009, sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các nhà quan sát tới đó để bảo đảm rằng nguồn lương thực tới được tới những người cần chúng nhất. Bình Nhưỡng bị nghi chuyển nguồn viện trợ của nước ngoài để hỗ trợ cho lực lượng quân sự hùng hậu của nước này.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang thúc giục chính quyền của Tổng thống Obama tìm ra những phương sách mới để thuyết phục Bắc Triều Tiên thay đổi lối hành xử và chấm dứt điều họ gọi là ‘chu kỳ khiêu khích’. Theo tường thuật của thông tín viên William Ide của đài VOA, từ Washington, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã đình trệ trong hơn hai năm qua, và nhiều nhà phân tích nói rằng 2010 là năm nguy hiểm nhất trên Bán đảo Triều Tiên kể từ khi xảy ra cuộc chiến Triều Tiên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1