Đường dẫn truy cập

Sách lược quân sự mới của Hoa Kỳ tập trung vào Châu Á


Sách lược quân sự mới vạch ra vai trò mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ đóng trong việc bảo toàn đất nước trong những năm tới đây
Sách lược quân sự mới vạch ra vai trò mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ đóng trong việc bảo toàn đất nước trong những năm tới đây

Hôm qua, quân đội Hoa Kỳ công bố văn kiện về sách lược toàn bộ mới từ 6 năm nay, kêu gọi phát triển một lực lượng tập trung nhiều hơn vào Châu Á, là nơi mà văn kiện này cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng, và bầu không khí sách lược đang thay đổi nhanh chóng. Thông tín viên VOA Al Pessin tại Ngũ Giác Đài đã nói chuyện với một trong các tác giả của sách lược và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thế giới ngày nay đề ra một bầu không khí an ninh biến chuyển nhanh chóng và đầy khó khăn, đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo từ phía quân đội Hoa Kỳ, một chính sách có liên quan đến sức mạnh dân sự và quân sự, và thêm quan hệ đối tác với các nước trên khắp thế giới, theo như Sách lược Quân sự Toàn quốc.

Văn kiện 21 trang do ban lãnh đạo quân đội cấp cao nhất của Mỹ công bố xây dựng trên các sách lược đã được công bố bởi các nhà lãnh đạo dân sự của Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài. Sách lược quân sự vạch ra vai trò mà Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ sẽ đóng trong việc bảo toàn đất nước trong những năm tới đây.

Ông Roberti cho biết: “Chúng ta phải bố trí lực lượng ở những nơi nào ta nghĩ sẽ có nguy cơ, để chống lại loại nguy cơ mà chúng ta trông đợi sẽ xảy ra.”

Đó là nhận định của Phó Đề đốc John Roberti, thuộc Văn phòng Sách lược và Chính sách của quân đội. Ông nói sách lược mới tập trung vào Châu Á bởi vì kinh tế toàn cầu đang chuyển hướng qua khu vực này, nơi có những sức mạnh quân sự đang nổi lên, và đang xảy ra thay đổi về chính trị.

Ông Roberti nói: “Ta cần phải nhìn vào vị thế quốc phòng ở đó, các khả năng của chúng ta có sẵn ở đó, các mối bang giao, các quan hệ hợp tác, các đồng minh của chúng ta, và tập trung vào khu vực đó để duy trì an ninh. Tôi sẽ không tập trung vào nơi nào có nhiều hay ít binh sĩ hơn, mà vào các khả năng và việc bố trí các khả năng đó ở khu vực này.”

Sách lược chú ý đặc biệt vào Trung Quốc, và nói rằng quân đội Hoa Kỳ phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại điều được gọi là 'các khả năng chống tiếp cận', mà Trung Quốc đang bành trướng nhanh chóng. Những khả năng đó có thể đe dọa đến các con đường thương mại và hạn chế khả năng của quân đội Hoa Kỳ thực hiện những gì mà các nhà lãnh đạo Mỹ có thể ra lệnh cho họ phải làm.

Văn kiện cũng liệt kê các yếu tố như phổ biến vũ khí, toàn cầu hóa, các thiên tai, tình trạng biến đổi khí hậu, tội phạm trên mạng, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, dịch bệnh, các vụ tranh chấp mậu dịch và các tổ chức cực đoan bạo động như những yếu tố chính trong môi trường sách lược toàn cầu – tất cả, theo ông Roberti, đều hiện diện tại Châu Á.

Ông Roberti nhận xét: “Sự gặp gỡ của các thách thức đó làm nẩy sinh ra một nguy cơ mà muốn đối phó, chúng ta phải theo một chủ trương khác đi, phải hoạch định khác đi và chắc chắn ta phải tính tới trong các kế hoạch hiện thời.”

Ngoài việc phát triển các khả năng chiến đấu thích nghi, sách lược nói rằng quân đội Hoa Kỳ phải dẫn đầu trong việc quy tụ các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác dân sự cũng như quân sự của nước ngoài, kể cả các tổ chức phi chính phủ, để giải quyết những vấn đề đe dọa đến an ninh và ổn định.

Đặc biệt, sách lược kêu gọi hợp tác với các tổ chức khu vực ở Châu Phi và Nam Mỹ để thăng tiến an ninh và ổn định trong những vùng đó. Và mặc dầu được viết trước khi diễn ra các vụ bạo động hiện thời ở Tunisia và Ai Cập, văn kiện này đã nêu ra sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất ổn tiềm tàng ở Trung Đông, bởi vì các vấn đề về chính quyền, và các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đang chuyển biến.

Văn kiện này nằm trong khuôn khổ một cái nhìn trước vào những ưu tiên của quân đội Hoa Kỳ sau các cuộc chiến tranh ở Iraq, nơi theo dự kiến lực lượng Hoa Kỳ sẽ rút đi trong năm nay, và Afghanistan, nơi quân đội Hoa Kỳ sẽ bắt đầu rời khỏi cũng trong năm nay, với mục tiêu là cuộc triệt thoái đáng kể trước năm 2014.

Các nhà lãnh đạo quân đội sẽ sử dụng sách lược này như một cơ sở kế hoạch, kể cả những yêu cầu về chương trình vũ khí mới hay mở rộng có phần chắc sẽ rất khó nhận được sự tài trợ, căn cứ vào bầu không khí dự chi tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG