Đường dẫn truy cập

Mỹ viện trợ cho vùng Mekong nhằm ngăn xung đột xuyên biên giới


Sông Mekong và các phụ lưu nuôi sống hàng chục triệu người ở Đông nam châu Á
Sông Mekong và các phụ lưu nuôi sống hàng chục triệu người ở Đông nam châu Á

Mặc dù vụ tranh chấp về những tuyên bố đòi chủ quyền đối kháng nhau trong vùng Biển Đông đã chiếm lĩnh sân khấu chính tại diễn đàn về an ninh của khối ASEAN mới đây, các giới chức Hoa Kỳ cũng tập trung vào việc giải quyết một vụ xung đột khác có thể xảy ra có liên quan đến nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng ở châu Á. Sông Mekong và các phụ lưu nuôi sống hàng chục triệu người ở Đông nam châu Á, nhưng con sông này cũng là hiện trường của nhiều dự án thủy điện mới gây tranh cãi. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến diễn đàn an ninh mới đây của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á ở Bali để nói rằng Hoa Kỳ có ý định vẫn tham gia vào sự phát triển chính trị và kinh tế trong khu vực này. Trong khuôn khổ nỗ lực đó, bà Clinton nói về cách thức Washington duy trì việc phát triển có trách nhiệm qua một chương trình viện trợ 221 triệu đôla của Hoa Kỳ dành cho vùng châu thổ Hạ lưu sông Mekong.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình giáo dục, môi trường, y tế và hạ tầng cơ sở tại các khu vực kém phát triển ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, ông David Carden nói Hoa Kỳ quan tâm về tác động của nhiều dự án thủy điện lớn mà một số tổ chức môi trường đã cảnh báo là có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thủy lộ chính trong vùng.

Theo ông Carden, ở giai đoạn này, các đập nước đang được đề nghị và một số đã được xây dựng rồi chưa được thanh tra đầy đủ về tác động khoa học của chúng. Và không phải chỉ riêng vùng này mà thật ra là vì lợi ích của thế giới về các mục tiêu an ninh lương thực, vì mục đích hòa bình và an ninh, và để cho sự phát triển của vùng hạ lưu sông Mekong diễn ra một cách thông minh và phù hợp với nền khoa học tốt nhất có thể áp dụng được cho vùng này.

Hơn 60 triệu người sống ở vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong, một khu vực rộng hơn 600.000 kilomet vuông. Đây là vùng ngư nghiệp nội địa lớn nhất thế giới. Nông gia trồng lúa cũng phụ thuộc vào nước và phù sa của con sông này để tưới tiêu và chăm bón hoa màu.

Nhưng ngày càng có mối quan ngại rằng việc xây dựng các đập thủy điện ở Trung Quốc và các kế hoạch xây thêm đập ở Lào và Campuchia có thể gây tại hại đáng kể cho môi trường và kinh tế cho các nước ở vùng hạ lưu sông Mekong như Việt Nam.

Đại sứ Carden nói viện trợ của Hoa Kỳ nhắm mục đích tổng quát là cung cấp sự hỗ trợ để giúp duy trì hòa bình và an ninh trong một khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra xung đột xuyên biên giới.

Ông Carden cho rằng sự thực đơn giản là cho dù bất kỳ vì động cơ nào mà người ta muốn gán cho các nỗ lực này, thì rõ ràng đó là trường hợp cả thế giới, chứ không phải riêng cho khu vực, thế giới thừa nhận sự cần thiết là tất cả mọi người phải hợp tác để giải quyết những vấn đề không nằm riêng trong biên giới nào.

Nhưng ông Milton Osborne, chuyên gia phân tích về Đông nam châu Á làm việc cho Viện Chính sách Quốc tế Lowy của Australia, nói rằng sự tham gia của Hoa Kỳ ở châu Á được thúc đẩy phần lớn bởi mối quan ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Ông Osborne nói: “Sự bành trướng liên tục của Trung Quốc về mặt kinh tế rõ ràng là một mối quan ngại cho Hoa Kỳ và đây là một trong số những quan ngại ngại đó, chương trình sông Mekong là một trong nhiều cách mà Hoa Kỳ xác định rõ rằng Hoa Kỳ có mối quan tâm rộng lớn ở phần này của thế giới.”

Ông Obsborne nói số tiền viện trợ không đem lại cho các giới chức Hoa Kỳ quyền thương nghị trong bất kỳ cuộc thương thuyết nào về phát triển trong vùng châu thổ sông Mekong, nhưng nó chứng tỏ Hoa Kỳ cam kết đóng một vai trò xây dựng trong tương lai của châu Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG