Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ ‘đóng vai trò trung lập’ trong vấn đề sông Mekong


Ông Scot Marciel, Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, đã tuyên bố như vậy trong buổi công bố phúc trình của Trung tâm Stimson ở thủ đô Washington liên quan tới các vấn đề ở lưu vực sông Mekong.

Ông Marciel một lần nữa nhấn mạnh tới nỗ lực tái tăng cường hợp tác của Hoa Kỳ với các nước thuộc Đông Nam Á, nhất là các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam.

Ông Marciel cho biết: "Trong vòng 15 tới 20 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cải thiện quan hệ song phương với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước thuộc vùng hạ lưu sông Mekong như Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như Thái Lan, quốc gia chúng tôi có mối quan hệ lâu bền. Mối quan tâm cơ bản của chúng tôi là các quốc gia này phát triển tốt, mang lại ổn định, hòa bình và thịnh vượng cũng như tự do. Chúng tôi mong muốn các nước này phối hợp với Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề ở cả quy mô khu vực lẫn toàn cầu."

Được biết, sinh kế của hơn 60 triệu người ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam dựa vào dòng sông Mekong.

Các hãng tin quốc tế cho hay, mực nước một số khu vực thuộc dòng sông này thời gian qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Thời gian qua, các đập thủy điện của Trung Quốc bị coi là yếu tố góp phần làm giảm lưu lượng dòng chảy cũng như thay đổi hệ sinh thái của sông Mekong.

Ông Scot Marciel cho biết Hoa Kỳ cũng quan tâm tới các nguy cơ đối với dòng sông này.

Ông Marciel nói: "Năm ngoái, chúng tôi đã đi tới quyết định rằng chúng tôi cần phải củng cố thêm ngoại giao song phương bằng việc hợp tác với nhóm nước thuộc khu vực tiểu vùng sông Mekong. Cũng đúng khi có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ hơi chậm trễ khi thực hiện điều đó, nhưng dẫu vậy, chúng tôi nghĩ đó là một bước khởi đầu quan trọng. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng với bộ trưởng ngoại giao các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã gặp nhau bên lề cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN ở Phukhet, Thái Lan. Họ đã thảo luận về các vấn đề hợp tác xuyên biên giới như sức khỏe, giáo dục nhưng vấn đề thứ ba và quan trọng hơn cả là hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là liên quan tới lưu vực sông Mekong. Tôi không phải là nhà khoa học hay chuyên gia về dòng sông này hay về tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng những ai nghiên cứu những vấn đề đó đã nêu lên mối nguy hại cũng như các nguy cơ mà tình trạng biến đổi khí hậu cộng với các dự án thủy điện gây ra."

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết hiện nước này đang phối hợp thực hiện hai dự án với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Một là chương trình ‘Dự báo sông Mekong’ với sự hợp tác của Cơ quan khí tượng Hoa Kỳ và thứ hai là thúc đẩy hợp tác giữa Ủy ban sông Mississippi và Ủy hội sông Mekong, để giúp các nước tiểu vùng này học hỏi kinh nghiệm cũng như sai lầm trong việc quản lý dòng sông lớn ở Hoa Kỳ.

Về vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề sông Mekong, ông Marciel cho hay: "Hoa Kỳ chỉ là một nước cung cấp thông tin trung lập, nhất là về các dữ liệu khoa học, nhằm giúp các nước trong khu vực có các quyết định đúng đắn với sự tham khảo thông tin kỹ lưỡng nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như các hệ quả từ các dự án thủy điện. Chúng tôi không can thiệp và tuyên bố ủng hộ hay phản đối dự án đập thủy điện cụ thể nào, mà chỉ ra điểm lợi và hại của các dự án đó cùng cách thức triển khai dự án tốt hơn. Hoa Kỳ cũng thúc đẩy và hỗ trợ một loạt các cuộc thảo luận nghiêm túc và cởi mở mà nếu muốn đạt được thành công cần phải có sự tham gia của tất cả các nước."

Tại hội nghị thượng đỉnh về sông Mekong gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào bác bỏ ý kiến cho rằng các con đập của nước này trên sông Mekong gây ra tình trạng mực nước sông xuống thấp kỷ lục tại các quốc gia ở hạ lưu.

Ông Tống cho rằng thời tiết khô hạn, chứ không phải các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra tình trạng này.

Nguồn: AP, China Daily, VOA's Interview

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG