Bang giao giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đang trải qua một đoạn đường gập ghềnh, nhưng mối lo ngại chung đối với mối đe dọa của Trung Quốc khiến cho mối quan hệ Mỹ-Nhật trở nên vững chắc hơn vì quá đỗi quí báu. Đó là nhận định của phóng viên Simon Tisdall của tờ The Guardian ở Anh đăng trên số báo ra ngày thứ hai (08-03-2010) vừa qua.
Bài báo nêu lên mối xích mích giữa hai chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về thỏa thuận di dời sân bay Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ trên đảo Okinawa và cho biết rằng vụ tranh chấp này phản ánh những mối bất đồng sâu sắc hơn giữa Washington và Tokyo.
Ông Hatoyama, người lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái, chủ trương rằng Nhật Bản cần có mối quan hệ mà ông gọi là “cân bằng” với Washington sau 65 năm lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ trong lãnh vực an ninh. Một số nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản của Thủ tướng Hatoyoma đã xướng xuất chủ trương mà họ gọi là “giữ khoảng cách đồng đều” giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Hồi cuối năm ngoái, ông Hatoyama cũng tỏ ý tán đồng một đề nghị của Trung Quốc là hai lân bang vùng Đông Bắc Á này sẽ bắt tay nhau để lãnh đạo việc thành lập Cộng đồng Đông Á, một cộng đồng kinh tế dự kiến sẽ không bao gồm Hoa Kỳ. Hai chủ trương vừa kể của ông Hatoyama -- cộng với một số phát biểu có tính chất phê phán đối với đường lối kinh tế của chính phủ ở Washington và sự xuống giốc được xem là không thể tránh khỏi của Hoa Kỳ, đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở Washington. Bài báo của tờ Guardian trích lời ông Hisahiko Okazaki, cựu Đại sứ Nhật tại Thái lan, nói rằng quan hệ Mỹ-Nhật hiện đang ở trong tình trạng tệ nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu này, cũng như hầu hết các nhà quan sát tình hình chính trị Á châu, tin rằng mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là “nền tảng” của quốc phòng Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng một trong những nguyên do chính của sự tin tưởng này là mối lo ngại chung của Washington và Tokyo đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự lo ngại này hồi gần đây đã được củng cố thêm nữa bởi một tuyên bố có tính chất khiêu khích của một sĩ quan cao cấp của quân đội nhân dân Trung Quốc. Đại tá Lưu Minh Phúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến thiết Quân đội của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đã cho xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Trung Quốc Mộng” hay “Giấc mơ Trung Quốc”, với nội dung chính là hối thúc giới hữu trách nhanh chóng hành động để giành lấy vị trí “quán quân thế giới” về quân sự. Ông Lưu cho rằng “mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21 phải là trở thành cường quốc số một thế giới,” và sự xung đột trong cuộc tranh đua với Hoa Kỳ để giành ngôi vị “bá chủ thế giới” là điều không thể tránh được.
Trong khi đó, một số chuyên gia chính trị Nhật Bản đã lên tiếng cổ xúy cho việc thiết lập một khung sườn mới cho mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc kinh trong lúc Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật và sắp sửa qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới. Các số liệu của Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy trong năm vừa qua GDP của Nhật đạt mức 5,072 tỉ đô la trong khi Trung Quốc đạt mức 4,909 tỉ đô la. Các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ có tổng sản lượng nội địa cao hơn Nhật Bản trong năm nay và có thể sẽ qua mặt Hoa Kỳ trước năm 2030.
Trong cuộc diễn thuyết hồi gần đây ở Tokyo, giáo sư Yukawa Kazuo của Đại học Hokkaido nói rằng từ thập niên 1990 về trước Nhật Bản dựa vào Hoa Kỳ trong cả hai lãnh vực an ninh và kinh tế, nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi và Tokyo chỉ còn lệ thuộc vào Washington trong lãnh vực an ninh mà thôi.
Ông Kazuo nói tiếp: "Nhật Bản hiện nay lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng về mặt chính trị Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì vị thế đối đầu với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng trong lãnh vực bảo vệ an ninh khu vực Nhật Bản cần phải thiết lập một khung sườn hợp tác phù hợp với lợi ích của đôi bên."
Giáo sư Kazuo, cùng với nhiều nhà kinh doanh hàng đầu Nhật Bản, cho rằng giới hữu trách cần phải thẳng thắn đối mặt với thực tế để tìm ra một đường lối phù hợp với tình hình mới. Nhiều người cũng cho rằng sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc là một diễn tiến tích cực vì nó mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho công nghiệp Nhật Bản và có ích cho sự hồi phục của nền kinh tế vốn bị trì trệ trong hai thập niên qua.
Hồi đầu tháng này, sau khi Trung Quốc loan báo chi phí quốc phòng của họ trong năm nay sẽ gia tăng với tỉ lệ 7,5% -- là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm, giới hữu trách Nhật Bản đã nhanh chóng tỏ ý hoài nghi. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Toshimi Kitazawa, kêu gọi Trung Quốc gia tăng tính chất minh bạch trong chi tiêu quân sự và cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc điều tra của riêng mình về ngân sách quốc phòng Trung Quốc.
Giáo sư Yukawa Kazuo của Đại học Hokkaido cho rằng phản ứng vừa kể của chính phủ Nhật là không thỏa đáng. Ông cho rằng sự cai trị của chính quyền Cộng Sản ở Trung Quốc không hẳn là có tính chất xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Ông Kazuo nói: "Chúng ta không nên nghĩ rằng những vấn đề liên quan tới việc gia tăng sức mạnh quân sự là vấn đề do chính quyền trung ương nắm quyền chủ đạo. Thật ra đây là những hành động có tính chất tự phát của những thành phần mạo hiểm."
Giáo sư Soeya Yoshihide, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Keio ở Tokyo, cũng tán đồng nhận xét vừa kể. Ông nói thêm rằng Nhật Bản không nên xem Trung Quốc như một khối người thuần nhất theo chủ nghĩa dân tộc, bởi vì nếu như thế thì Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu tấn công chính của Trung Quốc trong các vấn đề lịch sử.
Ông Yoshihide nhận định: "Trên thực tế Trung Quốc đang hình thành một xã hội công dân mang tính chất đa nguyên. Những thành viên của xã hội này tìm đọc các loại sách vở của Tây phương và tiếp thu những thông tin và văn hóa của Tây phương. Tôi nghĩ rằng trong quá trình soạn thảo những sách lược ngoại giao trung hạn và dài hạn đối với Trung Quốc, Nhật Bản nên xem xét tới tiềm năng của xã hội dân sự đa nguyên ở Trung Quốc."
Giáo sư Yoshihide nói thêm rằng trong lúc Trung Quốc phát triển kinh tế, Nhật Bản nên hợp tác đầy đủ để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, chứ không nên nhất quyết phải “đọ sức” hay “đối đầu một sống một chết” với Trung Quốc.
Một số các nhà phân tích Tây phương cho rằng vào lúc này thì việc nhắm tới những mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc là một mục tiêu hợp lý cho Nhật Bản. Tuy nhiên, trong dài hạn giới lãnh đạo ở Tokyo có thể sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Theo ông Gideon Rachman, một bỉnh bút gia nổi tiếng của tờ Financial Times, một lựa chọn của Nhật Bản là xem như Trung Quốc sẽ dần dà thay thế Hoa Kỳ trong vị thế của cường quốc chế ngự khu vực Á châu Thái bình dương và vì thế cần phải có những mối quan hệ nồng ấm hơn với chính phủ ở Bắc kinh.
Một lựa chọn khác của Nhật, theo ông Rachman trong bài viết hôm mồng 8 tháng 3, là siết chặt thêm nữa mối quan hệ với Washington và tăng cường quan hệ với các quốc gia dân chủ trong khu vực như Ấn Ðộ và Australia để thực hiện sách lược “bao vây mềm”, là một chính sách không công khai nhằm ngăn chận sự bành trướng thế lực của Trung Quốc.
Một số chuyên gia chính trị Nhật Bản hồi gần đây đã lên tiếng cổ xúy cho việc thiết lập một khung sườn mới cho mối quan hệ giữa Tokyo với Bắc kinh trong lúc Trung Quốc sắp sửa qua mặt Nhật Bản để trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới. Các chuyên gia này cho rằng Nhật Bản không thể tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng lại đối đầu với họ trên lãnh vực chính trị. Trong khi đó, một số các nhà phân tích Tây phương cho rằng mối đe dọa của Trung Quốc có thể góp phần hàn gắn những mối xích mích giữa Hoa Kỳ với tân chính phủ ở Nhật Bản. Mời quí thính vị theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.