Vào lúc các đoàn công voa quân đội lăn bánh băng qua biên giới từ Iraq sang Kuwait và lá cờ Mỹ hạ xuống tại các căn cứ khắp nước, một cuộc thăm dò công luận mới đây của đài tin tức CBS cho thấy 77 phần trăm người Mỹ được thăm dò tán thành quyết định triệt thoái quân đội Hoa Kỳ trước cuối năm nay.
Trung sĩ Fred Fox cũng đồng ý như thế: “Chúng tôi đã làm hết sức để giúp đỡ họ và họ đang tiếp quản quyền lãnh đạo mọi thứ. Do đó thực tâm mà nói, đã đến lúc chúng tôi về nhà và để cho họ tự lo mọi việc.”
Hãy còn quá sớm để biết được các sử gia nay mai sẽ nhìn cuộc chiến tranh này ra sao, nhưng đa số các chuyên gia đồng ý về một thành tích.
Ông Frederick Kagan thuộc Viện Kinh doanh Mỹ nhận định: “Chúng ta đã loại trừ được Saddam Hussein ra khỏi chính quyền ở Iraq và đó là một thành quả rất quan trọng.”
Nhưng nhiều người khác nêu nghi vấn liệu các mục tiêu rộng lớn của Hoa Kỳ về vụ xung đột có được toàn thành hay không.
Tác giả Peter Van Buren là một nhà ngoại giao Mỹ. Trong cuốn sách mới đây của ông có tựa là “Chúng ta có ý đồ tốt”, ông đã chỉ trích cuộc chiến tranh khá nhiều.
Ông Buren nói: “Hai vị tổng thống đã nói với chúng ta rằng công tác của chúng ta ở Iraq là thiết lập một nền dân chủ ổn định để trở thành một liên minh của Hoa Kỳ và một tiền đồn chống khủng bố ở Trung Đông. Khó mà nói được là chúng ta đã đạt được hai mục tiêu đó.”
Tính đến cuối năm 2006, bạo động đã lan tràn tại Iraq và các chuyên gia phân tích cho rằng nước này đang đứng ở bờ vực của một cuộc nội chiến phe phái.
Tổng thống lúc đó là ông George W. Bush đã ra lệnh tăng quân số Hoa Kỳ và đưa đến một sự sụt giảm đáng kể trong chiến cuộc.
Sau đây vẫn là ý kiến của ông Frederick Kagan: “Do đó tôi nghĩ rằng việc tăng quân và thay đổi chiến lược vào năm 2007 và 2008 là một trong những thành tích nổi bật trong lịch sử cuộc chiến chống nổi dậy.”
Mặc dầu Hoa Kỳ đã chi ra hơn 60 tỷ đôla dành cho các dự án phát triển tại Iraq, giới chỉ trích nói chỉ có một phần nhỏ là thực sự được chi tiêu cho việc tái thiết.
Tác giả và nhà ngoại giao Peter Van Buren nêu nhận xét: “Phần còn lại thất thoát qua những chi phí về an ninh, lãng phí, gian lận và quản lý sai trái, tham nhũng, và các hình thức mất tiền khác nhau, kể cả mức lời, khiến cho số tiền thực sự chi cho việc tái thiết rất ít.”
Quyết định triệt thoái quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Iraq đã nêu ra những thắc mắc về tình hình bạo động tiếp diễn ở đó, và mối đe dọa của việc Iran nhẩy vào can thiệp.
Sau đây là ý kiến của ông Adam Mausner thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược. Ông nói: “Việc rút quân chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực lớn trong khu vực, và Trung Đông rất ghét một khoảng trống, do đó việc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ tạo ra một lợi thế chính cho Iran gây ảnh hưởng với Iraq.”
Iraq và Hoa Kỳ hiện đang bước vào một mối quan hệ mới, theo đại sứ Mỹ James Jeffrey: “Chúng ta hỗ trợ về mặt ngoại giao, chúng ta hỗ trợ về mặt tài chính, chúng ta hỗ trợ qua thương mại và chúng ta hỗ trợ qua sự hiện diện an ninh chung trong khu vực, là điều có khuynh hướng đặt các tình huống quân sự trong vòng kiểm soát.”
Gần 4 ngàn 500 binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình ở Iraq, trong một cuộc chiến tranh tính đến nay đã tổn phí tới hơn 800 tỷ đôla.
Nay trở về nhà hưởng mùa lễ và được chào đón như những anh hùng, anh Mike Williams và các binh sĩ khác gọi vai trò quân sự của Hoa Kỳ là một thành tích vĩ đại. Anh nói: “Theo tôi, cuối cùng thì tôi nghĩ rằng vai trò đó đã cứu giúp cho rất nhiều binh sĩ và thường dân trong nước chúng ta khỏi phải hy sinh tính mạng và chịu đựng thêm một cuộc tấn công khủng bố kiểu 11 tháng 9 nữa.”
Đối với các binh sĩ Hoa Kỳ thì cuộc chiến tranh ở Iraq đã đến hồi kết thúc. Đối với hàng triệu người dân Iraq, thì một tương lai mới và bất định chỉ vừa mới mở đầu.
Cuộc chiến tranh tại Iraq kéo dài gần 9 năm và trong khi các binh sĩ Hoa Kỳ còn lại rút ra khỏi nước này, các chuyên gia phân tích về Trung Đông tiếp tục bất đồng về thành quả hay thất bại của sứ mạng này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1