Các giới chức ở Washington thừa nhận rằng những biện pháp trừng phạt du hành và tài chánh này có thể không gây được bao nhiêu ảnh hưởng trực tiếp tới hai giới chức Iran vừa kể, nhưng hy vọng những tiếng vang phát xuất từ hành động của Hoa Kỳ ít nhất có thể gây trở ngại cho hoạt động của họ.
Loan báo chung của Bộ Ngoại Giao và Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ nhắm vào ông Abbas Jafari Dolatabadi, Công tố viên trưởng thủ đô Tehran, và ông Mohamed Reza Naqdi, chỉ huy trưởng lực lượng dân quân Basij thuộc Đoàn Vệ Binh Cách Mạng Iran.
Tuyên bố vừa kể cho biết ông Dolatabadi đã đưa ra những cáo trạng trong đó có án phạt tử hình đối với hàng chục người biểu tình tham gia cuộc nổi dậy năm 2009 chống chính phủ Tehran và đã bị lực lượng an ninh đàn áp bằng bạo lực.
Ông Nadiq, chỉ huy trưởng lực lượng dân quân Basij, được coi là là chịu trách nhiệm và đồng lõa với những hành vi ngược đãi của các dân quân - trong đó có cái chết của nhiều người biểu tình từ cuối năm 2009 cho tới tuần trước, khi đoàn dân quân này lại sử dụng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình.
Các biện pháp chế tài này phong tỏa tất cả những tài sản của hai người này có thể ký thác tại những tổ chức tài chánh ở Hoa Kỳ, ngăn hai nhân vật này du hành tới Hoa Kỳ và cấm các công dân Mỹ thực hiện những giao dịch tài chánh với họ.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, P.J. Crowley, nói hành động vừa kể cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ các công dân Iran nào tìm cách hành sử những quyền căn bản, và tỏ tình đoàn kết với nạn nhân của những vụ tra tấn và ngược đãi, cho dù các biện pháp trừng phạt này có thể chỉ có tác dụng giới hạn. Ông Crowley nói:
“Đây là một tuyên bố có ý nghĩa. Tôi không thể nói cho quý vị biết họ có thường du hành hay không và mức độ giầu có của họ như thế nào. Tất cả những gì tôi có thể nói là chúng ta có thẩm quyền và chúng ta đã làm chuyện này. Và hy vọng rằng chuyện này sẽ làm cho đời sống của họ phức tạp hơn.”
Ông Crowley nói điều mỉa mai về những nhận định đưa ra hôm thứ Tư của Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad mà theo mà theo tường thuật của Thông tấn xã Iran, ông gọi việc giết hại những người biểu tình tại Libya là “không thể tưởng tượng được” và thắc mắc rằng làm sao mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng súng và xe tăng để chống lại chính nhân dân của mình.
Ông Crowley nói rằng đây là một câu hỏi mà chính ông Ahmadinejad phải trả lời cho nhân dân nước ông, trong vụ đàn áp bằng bạo lực năm 2009 tiếp theo sau những cuộc biểu tình của công chúng Iran hồi đó.
Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai giới chức quan trọng của Iran có nhúng tay vào vụ đàn áp biểu tình từ năm 2009. Một người là lãnh đạo tổ chức dân quân Basij và người kia là một công tố viên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1