Bản phúc trình dày cộm với 2 triệu từ, đề cập đến 194 quốc gia trên thế giới, là điều bắt buộc mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải cho công bố hằng năm theo đạo luật 1976 của Quốc hội và khởi thủy nó chỉ nhắm mục đích hướng dẫn các nhà làm luật Mỹ trong các quyết định về cấp viện cho các nước ngoài.
Nhưng khi cho công bố phúc trình mới nhất, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng văn kiện này đã trở thành một hồ sơ đầy đủ nhất về tình trạng nhân quyền trên khắp thế giới.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: "Những phúc trình này là một công cụ vô cùng thiết yếu cho những nhà tranh đấu can đảm bảo vệ nhân quyền ở các cộng đồng trên khắp thế giới, cho những ký giả và học giả cần ghi chú những vụ vi phạm nhân quyền và những người phúc trình về công việc của những người đấu tranh cho các thành phần yếu kém dễ bị tổn hại, và cho các chính phủ kể cả chính phủ Hoa Kỳ, trong lúc họ tiến hành công việc để hoàn thành những sách lược khuyến khích bảo vệ nhân quyền cho thêm nhiều cá nhân ở thêm nhiều nơi trên thế giới.”
Bà Clinton nói thêm rằng những nguyên tắc của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là ngôi sao Bắc Đẩu, là ngọn đuốc soi đường cho các chính sách đối ngoại và các chính sách nhân quyền của chính quyền Tổng thống Obama.
Bản phúc trình liệt kê những diễn biến trong năm 2009, đưa ra những chỉ trích gay gắt nhắm vào một số những nơi mà Hoa Kỳ quan tâm.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Richard Posner, cho biết tình hình nhân quyền tại Iran càng tệ hại hơn sau cuộc bầu cử tổng thống gây nhiều tranh cãi. Ông nói:
“Tại Iran tình hình nhân quyền vốn đã tồi tệ đã mau chóng suy thoái hơn nữa sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Sáu. Ít nhất 45 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ, hàng ngàn người bị bắt, thêm cả ngàn người nữa bị bắt trong cuộc biểu tình vào tháng 12. Đây là một nơi mà chúng ta tiếp tục chứng kiến các vụ đàn áp nghiêm trọng những người bất đồng chính kiến và chúng ta phải tiếp tục chú ý cẩn thận."
Iran cũng bị nêu tên là quốc gia kỳ thị nữ giới và kỳ thị các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số, với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bị lên án là đã khích động chủ nghĩa bài Do Thái.
Trung Quốc cũng bị chỉ trích tương tự như vậy vì hành động gia tăng đàn áp người Tây Tạng và người Hồi giáo Uighur.
Trưng dẫn những vụ truy tố và tống giam những nhân vật hàng đầu cổ vũ cho dân chủ tại Trung Quốc, phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói rằng áp lực đối với các nhóm xã hội dân sự chống lại các chính sách của chính phủ Bắc Kinh đang gia tăng.
Ông Posner cho biết: “Trong nhiều năm qua có thêm nhiều luật sư đảm trách các vụ kiện tụng về công ích, về nhân quyền, về môi trường và các văn phòng giúp đỡ luật pháp mọc lên như nấm. Dường như họ thực sự bị đàn áp, và các tổ chức phi chính phủ cũng phải chịu nhiều ràng buộc, hạn chế hơn."
Trung Quốc nằm trong số chừng 25 quốc gia bị coi là đã áp đặt những hạn chế đối với khả năng đăng ký hoạt động của những tổ chức hay đoàn thể phi chính phủ. Trung Quốc cũng nằm trong số những nước hạn chế tiếp cận Internet cũng như những phương tiện truyền thông mới khác.
Ông Posner nhận định rằng tình hình tại nước láng giềng Bắc Triều Tiên lại còn đen tối hơn rất nhiều:
”Có lẽ nước này là một trong những xã hội khép kín nhất thế giới. Nhìn chung thì tôi phải nói là tình hình rất tệ, họ không khá hơn chút nào, và chúng tôi tiếp tục chú ý đến số phận của nhân dân Bắc Triều Tiên đang phải sống trong một tình huống như vậy."
Phúc trình cũng chỉ trích việc ngăn chặn truyền thông tại Nga và Venezuela.
Thế nhưng ông Posner cũng ghi nhận những chiều hướng nhân quyền tích cực tại một số các quốc gia gồm Gruzia, Ukraina, Bhutan, Maldives và Liberia, quốc gia mà chính phủ ở đó đã thiết lập một ủy ban hòa giải tìm sự thực sau một năm nội chiến.
Trong khi thành tích nhân quyền của Hoa Kỳ không được thẩm định trong bản phúc trình, phúc trình ghi nhận rằng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận để Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc duyệt xét định kỳ lần đầu tiên thành tích của Hoa Kỳ vào sau này trong năm.
Phúc trình hằng năm của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền trên thế giới được công bố hôm thứ Năm đã trưng dẫn tình trạng gia tăng nỗ lực để hạn chế việc tiếp cận Internet và những phương tiện thông tin khác cùng với việc gia tăng các hành động ngược đãi nhắm vào các nhóm thiểu số có nguy cơ bị thương tổn. Phúc trình chỉ trích gay gắt thành tích nhân quyền của nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1