Trong lúc Liên hiệp châu Âu chuẩn bị biểu quyết cấm vận dầu hỏa Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle tuyên bố:
“Chính phủ Iran tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến tính minh bạch trong chương trình hạt nhân của họ. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác hơn là thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân. Có điều cần phải nói rõ, cánh cửa đối thoại vẫn còn mở, nhưng chuyện Iran có vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận.”
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Đức đưa ra sau khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Washington.
Bà Clinton cho biết Hoa Kỳ và Đức hợp tác chặt chẽ về các biện pháp trừng phạt nhằm lấy đi nguồn thu dầu hỏa mà Iran có thể dùng để đeo đuổi vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng của Đức khẳng định mục tiêu tối hậu là ngăn chận một nước Iran có trang bị vũ khí hạt nhân:
“Đây không phải chỉ vì lý do bảo vệ Israel mà còn là vấn đề cân bằng lực lượng trong khu vực.”
Dịp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố việc Iran đeo đuổi vũ khí hạt nhân và “gây sự không cần thiết” đối với con đường đi ngang eo biển Hormuz đã đặt Iran vào một vị trí nguy hiểm:
“Iran không có lựa chọn nào khác. Họ có thể trở lại bàn đàm phán như chúng tôi đã liên tục nói rõ với họ để giải quyết các quan tâm của quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của họ, hoặc là họ sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và bị cô lập.”
EU dự tính cấm vận dầu hỏa một cách từ từ để các nước đang gặp khó khăn kinh tế như Hy Lạp và Italia có thể tìm nguồn cung cấp thay thế.
Dù Iran có thể tìm thêm người mua thêm dầu, nhưng theo các nhà phân tích, có nhiều phần chắc các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đòi giảm giá.
Hai bộ trưởng ngoại giao của Mỹ và Đức khẳng định hai nước không muốn tạo xung đột với Iran mà chỉ muốn Iran trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao của Đức nói đàm phán này phải là “nghiêm túc và có thực chất,” không phải chỉ để trình diễn.
Hoa Kỳ và Đức hôm thứ Sáu tuyên bố Iran sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh hơn của quốc tế nhắm vào nguồn thu dầu hỏa nếu không chịu từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1