Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện Mỹ phán quyết 1 vụ án liên quan đến tự do ngôn luận


Các thành viên Hội thánh Baptist Westboro cầm các tấm bảng với nội dung chống người đồng tính tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bang Vierginia vào ngày lễ Cựu Chiến Binh
Các thành viên Hội thánh Baptist Westboro cầm các tấm bảng với nội dung chống người đồng tính tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bang Vierginia vào ngày lễ Cựu Chiến Binh

Tối cao Pháp viện Mỹ đưa ra một phán quyết thuận lợi cho một Hội thánh thích biểu tình phản đối tại những đám tang của quân đội, gây ra nhiều tranh cãi.

Bằng 8 phiếu thuận, 1 phiếu chống, Tối cao Pháp viện xác nhận quyền của Hội thánh Báp-tít Westboro tại Topeka, Kansas, tổ chức biểu tình chống người đồng tính luyến ái tại tang lễ của những binh sĩ Mỹ tử trận tại Afghanistan và Iraq.

Tòa án xác nhận quyền của người biểu tình được ghi trong Tu chính án thứ Nhất. Những người này tin là cái chết của những binh sĩ khi chiến đấu là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời vì nước Mỹ đã dung thứ chuyện đồng tính luyến ái.

Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp ôn hòa.

Quan điểm của đa số trong Tối cao Pháp viện được Chủ tịch John Roberts viết ra.

Ông nói ngôn luận có quyền lực và có thể khiến người ta hành động và cũng gây nên những đau đớn tột cùng. Chủ tịch Roberts nói nước Mỹ từ lâu đã quyết định bảo vệ ngay cả những lời nói gây tổn hại đối với những vấn đề công cộng để những cuộc tranh luận công cộng không bị bóp nghẹt.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện được đưa ra tiếp theo những cuộc tranh luận miệng trước tòa vào tháng 10 năm ngoái, khi một tín hữu của hội thánh bà Margie Phelps tranh biện vụ này trước 9 thẩm phán Tối cao Pháp viện và sau đó nói với các phóng viên. Bà nói:

“Qui luật là nếu chỉ vì là bạn thấy bị tổn hại do lời nói, hay bạn nói bạn có cảm giác đau đớn vì lời nói nào đó thì như vậy không đủ để cấm phát biểu.”

Bà Margie Phelps là con gái của Mục sư Fred Phelps, lãnh tụ của Hội thánh Báp-tít Westboro bảo thủ, người thường tổ chức những cuộc biểu tình phản đối với những khẩu hiệu như “Cám ơn Chúa về những binh sĩ tử trận.”

Chỉ có một thẩm phán tối cao là ông Samuel Alito bất đồng ý kiến về vụ này. Ông Alito nói quốc gia tôn trọng sự tranh luận cởi mở và tự do không có nghĩa là quốc gia cấp phép cho những cuộc tấn công xấu xa bằng môi miệng.

Tối cao Pháp viện được yêu cầu quyết định về vụ này sau khi một tòa án liên bang cấp dưới đứng về phía gia đình của Hạ sĩ Thủy quân lục chiến Matthew Snyder, tử trận tại Iraq năm 2006.

Các tín hữu của Hội thánh biểu tình phản đối tại đám tang của người quân nhân này tại Maryland; do đó, và tang gia đã đi kiện hội thánh với lý do hội thánh đã gây cho tang gia nhiều đau buồn vì xúc động.

Một tòa dưới đứng về phía gia đình ông Snyder, nhưng một tòa kháng cáo liên bang bác bỏ bản án này khiến cho vụ kiện được đưa lên Tối cao Pháp viện.

Cha của ông Matthew, ông Albert nói với các phóng viên sau cuộc tranh luận miệng cuối cùng vào tháng 10 năm ngoái tại Tối cao Pháp viện:

“Chúng tôi chỉ muốn chôn cất Matt trong phẩm giá và kính trọng. Có một phương thức văn minh để biểu lộ quan điểm tại Mỹ nhưng không phải là cố tình gây đau buồn về tình cảm lên người khác và có ý định làm hại một công dân tại một tang lễ riêng tư.”

Các chuyên viên pháp lý nói phán quyết này là một trong những vụ xử về quyền tự do ngôn luận có ý nghĩa nhất trong nhiều năm qua được đưa ra trước Tối cao Pháp viện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG