Lần đầu tiên kể từ năm 1930 Hoa Kỳ đã đưa ra những thay đổi lớn về an toàn thực phẩm. Một đạo luật mới có tên là Luật Hiện Đại Hóa An Toàn Thực Phẩm, Food Safety Modernization Act, sẽ có hiệu lực đối với tất cả mọi loại thực phẩm ngoại trừ thịt, gà vịt, gia cầm và một số sản phẩm có trứng.
Luật này đòi hỏi chính phủ phải gia tăng việc thanh tra các công ty chế biến thực phẩm, và cho phép cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm, FDA, thu hồi những thực phẩm thiếu an toàn. Cho đến nay thì cơ quan này chỉ có thể thương thảo với các công ty chế biến để họ thu hồi sản phẩm không đúng tiêu chuẩn ra khỏi thị trường.
Luật mới cũng gia tăng những đòi hỏi đối với các thực phẩm nhập khẩu.
Nhưng luật mới miễn trừ cho các nhà tiểu nông và các công ty chế biến nhỏ khỏi bị ràng buộc bằng những luật lệ mới áp dụng cho những công ty sản xuất lớn.
Và nó không đòi hỏi những người đem sản phẩm ra bán tại các chợ của nông gia và các sạp hàng nhỏ phải đáp ứng những đòi hỏi cao nhất. Điều này khiến bà Susan Prolman, giám đốc tổ chức Liên Hiệp Nông Nghiệp Bền Vững Quốc Gia, NSAC, hài lòng. Bà nói :
“Nếu luật này phải áp dụng đồng bộ thì các nhà tiểu nông và các nhà chăn nuôi tầm cỡ nhỏ sẽ phải đóng cửa, dẹp tiệm hoặc gây trở ngại khiến họ không sản xuất ngay tại địa phương những thực phẩm tươi, lành mạnh mà giới tiêu thụ rất muốn mua.”
Liên Đoàn Giới Tiêu Thụ Hoa Kỳ, CFA, cho biết nói chung họ hài lòng với luật mới. Và hầu hết ngành công nghiệp thực phẩm cũng vậy.
Nhưng Dân biểu Cộng Hòa Jack Kingston, đại diện bang Georgia, chất vấn rằng con số người ngã bệnh vì thực phẩm có đủ đông để biện minh cho những chi tiêu để đáp ứng luật lệ mới hay không.
Luật này có thể sẽ khiến chính phủ tiêu tốn đến gần 1 tỉ rưỡi đô la trong 5 năm tới. Khoản chi này bao gồm cả chi phí thuê mướn các thanh tra.
Tháng trước, các giới chức liên bang đã hạ giảm ước tính trung bình về số người ngã bệnh hằng năm vì thực phẩm. Ước tính mới là 48 triệu, tức là cứ 6 người lại có một người. 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người tử vong.
Số ước tính cũ là 76 triệu ca bệnh và 5.000 người tử vong. Các chuyên gia tại Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh, CDC, đưa ra số ước tính lần cuối vào năm 1999.
Các giới chức nói rằng nguyên nhân sự sai biệt này phần lớn là nhờ kết quả của việc cải thiện các phương pháp nghiên cứu và thu thập dữ liệu. Họ cho biết hai ước tính này không thể so sánh để đo lường chiều hướng ngã bệnh vì thực phẩm. Nhưng có một điều không hề thay đổi.
Chừng 80% ca ngã bệnh vì thực phẩm vẫn còn được liệt kê là do “các chất chưa được xác định.” gây ra.
Nói cách khác, không ai biết đích xác vi trùng nào, siêu vi gì hay những vi sinh vật gì là nguyên nhân gây ra những ca bệnh vì thực phẩm.
Nhưng đối với những ca bệnh được biết rõ nguyên nhân, các chuyên gia cho biết vi trùng Salmonella là nguyên nhân của hơn 1/3 ca bệnh phải nhập viện, và nó gây ra hơn 1/4 các ca tử vong.
Đây là những khám phá được loan tải trên tờ báo y khoa Emerging Infectious Diseases.