Đường dẫn truy cập

Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật về mức trần nợ


Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Harry Reid nói chuyện với báo giới sau cuộc họp với các Thượng nghị sĩ Dân chủ và Phó Tổng thống Joseph Biden tại Điện Capitol, 1/8/2011
Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Harry Reid nói chuyện với báo giới sau cuộc họp với các Thượng nghị sĩ Dân chủ và Phó Tổng thống Joseph Biden tại Điện Capitol, 1/8/2011

Thượng viện Hoa Kỳ hôm nay đã bỏ phiếu để giải quyết vụ tranh cãi chính trị về mức nợ quốc gia ngày càng tăng, và thông qua một dự luật cắt giảm mức chi và nâng giới hạn vay nợ.

Các Thượng nghị sĩ đã biểu quyết với 74 phiếu thuận, 26 phiếu chống, và chuyển dự luật lên Tổng thống Barack Obama, chưa đầy 12 tiếng đồng hồ trước khi chính phủ cạn tiền.

Phát biểu tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc ngay sau cuộc biểu quyết của Thượng viện, Tổng thống Obama tuyên bố ông sẽ ký dự luật thành luật. Nhưng ông cũng chỉ trích các nhà lập pháp và gọi vụ khủng hoảng nợ nần này “chỉ là một trở ngại nữa cho công cuộc phục hồi mà chúng ta cần có.”

Tổng thống Obama cũng cảnh báo các nhà lập pháp rằng đất nước không thể quân bình ngân sách nếu không loại trừ việc giảm thuế cho các đại công ty và những người Mỹ giàu có nhất. Và ông nói trọng điểm phải quay ra tạo công ăn việc làm cho nhiều người Mỹ còn đang thất nghiệp.

Chi tiết về thỏa thuận nợ của Hoa Kỳ

  • Cho phép nâng mức trần nợ thêm 2,4 ngàn tỷ đôla – đủ để nước Mỹ tiếp tục vay mượn tiền đến năm 2013.
  • Thỏa thuận bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu có thể lên tới 2,5 ngàn tỷ đôla, nhiều hơn khoản tăng mức trần nợ.
  • Thỏa thuận này ban đầu sẽ cắt giảm ít nhất 900 tỷ đôla chi tiêu của chính phủ trong vòng 10 năm, và thành lập một ủy ban ngân sách lưỡng đảng để tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm ít nhất 1,5 ngàn tỷ đôla.
  • Nếu ủy ban này không tìm được phương cách để giảm thâm hụt ngân sách trước cuối tháng 11, các khoản cắt giảm tự động khác đối với các cơ quan của toàn chính phủ sẽ có hiệu lực vào năm 2013. Trong số này có khoản cắt giảm đầu tiên đối với chi tiêu của Bộ Quốc phòng trong nhiều thập niên.
  • Thỏa thuận không gồm mục tiêu của đảng Cộng hòa trong việc đòi tu chính hiến pháp về mục cân bằng ngân sách. Thỏa thuận cũng không gồm kế hoạch của đảng Dân chủ nhằm chấm dứt một số khoản miễn giảm thuế cho những người giàu.

Mặc dầu được cả Hạ lẫn Thượng viện thông qua, dự luật dung hòa đã bị chỉ trích nghiêm khắc là bất toàn hoặc thiếu sót từ phía các nhà lập pháp hàng đầu. Nó cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền cho đến hết năm 2012, để đổi lại những cắt giảm chi tiêu gần 1 ngàn tỷ đôla trong 10 năm tới.

Kế hoạch cũng thành lập một ủy ban ngân sách lưỡng đảng tìm cách cắt giảm thêm 1,5 ngàn tỷ nữa trong mức thâm hụt ngân sách. Nếu ủy ban không đạt được thỏa thuận, thì kế hoạch sẽ thực hiện những khoản cắt giảm đáng kể.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật hôm thứ hai.

Trước cuộc biểu quyết tại Thượng viện, trưởng khối đa số của đảng Dân chủ, ông Harry Reid tuyên bố dự luật ngăn tránh được một tai họa, nhưng ông chỉ trích dự luật vì “gánh nặng đè lên giới trung lưu và giới nghèo.” Ông chỉ trích các đảng viên Cộng hòa bảo thủ trong phong trào Tea Party là ngăn trở các nhà lập pháp đạt thỏa thuận sớm hơn.

Trưởng khối thiểu số Cộng hòa, ông Mitch McConnell nói đi đến được sự dung hòa có vẻ “lộn xộn.” Nhưng ông cũng nói đó chỉ là “tự thân ý nguyện của dân chúng đã đưa đến kết quả đó.”

Ông McConnell nói tuy ông không hài lòng với các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong dự luật, nhưng đó là “một bước cấp thiết hướng tới sự lành mạnh về tài chính.

Chưa rõ liệu thỏa thuận có chứa đủ các khoản cắt giảm chi tiêu để ngăn tránh một sự xuống cấp về đánh giá tín dụng hay không.

Trong các nhận định được phổ biến hôm thứ ba, Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner nói với chương trình tin tức của đài ABC rằng ông không biết điều gì sẽ xảy ra cho mức đánh giá tín dụng của Hoa Kỳ.

Ông Geithner nói kết quả của dự luật dung hòa là tốt đẹp nhưng tiến trình đi đến được sự dung hòa thực là “khủng khiếp.” Ông nói giằng co chính trị là làm lung lay sự tin tưởng của nhiều người Mỹ cho rằng đức tin của họ đặt vào quốc gia “dứt khoát đã bị tổn hại trước tình cảnh này.”

Theo ông Geithner, tuy thỏa thuận sẽ giúp ích cho nền kinh tế trong trường kỳ, nhưng sẽ không làm gì để tạo công ăn việc làm hay tiếp sức cho sự tăng trưởng kinh tế tức thời.

Cơ quan đánh giá tín dụng Standard & Poor đã dọa sẽ xuống cấp mức tín dụng AAA của Hoa Kỳ trừ phi Quốc hội chấp thuận các cắt giảm ít nhất 4 ngàn tỷ đôla về thâm hụt ngân sách. Mức tín dụng bị xuống cấp sẽ làm gia tăng tổn phí vay mượn tiền của chính phủ và cũng có thể nâng cao lãi suất cho vay dành cho giới tiêu thụ.

Nhiều nhà lập pháp đã bầy tỏ sự bất bình sâu xa đối với dự luật. Một số người bảo thủ nói rằng kế hoạch không cắt giảm đủ mức chi tiêu, và những người cấp tiến thì phàn nàn rằng các khoản cắt giảm quá nhiều và không tăng thuế giới giàu có.

Thậm chí một số nhà lãnh đạo Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ cũng chỉ trích dự luật.

Trưởng khối đa số Hạ viện Eric Cantor nói thỏa thuận không toàn hảo và sẽ phải mất một thời gian để thay đổi cách thức Washington chi tiêu.

Trưởng khối thiểu số Hạ viện Nancy Pelosi cũng nói bà không hài lòng về nhiều điều khoản trong dự luật.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG