Bosnia trong những năm đầu thập niên 1990 là nơi xảy ra vụ giao tranh dữ dội nhất Âu châu kể từ khi thế chiến thứ hai kết thúc. Cuộc xâm lăng của Serbia chống lại nước cộng hòa vùng Balkan này đã gây tử vong cho 250 ngàn người và làm cho 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Thoạt đầu, các nước Âu châu đã khoanh tay đứng nhìn những vụ giết chóc diễn ra ở Bosnia trong lúc dư luận và các thành viên quốc hội Mỹ chống đối việc can thiệp vào cuộc chiến ở đó. Sự chống đối này đã được cựu Ngoại trưởng James Baker tóm tắt trong câu nói được nhiều người nhắc tới là nước Mỹ “không có một con chó trong cuộc săn bắn này.”
Tuy nhiên, Tổng thống Bill Clinton có nhận định ngược lại. Ông giải thích như sau về nhu cầu can thiệp.
Ông Clinton nói: "Điều thứ nhất, sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ phải xác định lại các mối quan hệ với Âu châu và liên minh Nato. Và nếu không can thiệp, thì tất cả những gì mà chúng ta vẫn thường nói -- như sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản sẽ đưa tới sự một sự thăng tiến mạnh mẽ của dân chủ, tự do, thịnh vượng và an ninh; tất cả những lời nói như vậy sẽ trở thành những lời nói gạt."
Ông Clinton đã phát biểu như vậy hôm thứ tư (ngày 9 tháng 2, 2011) tại một cuộc hội thảo ở Đại học New York để nhìn lại Hòa ước Dayton. Trong số những người tham dự có Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, Đại tướng hồi hưu Wesley Clark và Ủy viên Đối ngoại của Liên hiệp Âu châu Catherine Ashton. Các diễn giả đã thuật lại những hành vi tán ác xảy ra trong cuộc chiến Bosnia và đề cập tới những áp lực để buộc Serbia phải ngồi vào bàn hòa đàm. Những áp lực này bao gồm các biện pháp chế tài kinh tế, những vụ oanh tạc của Nato nhắm vào các lực lượng Serbia và cung cấp vũ khí cho dân chúng Bosnia.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Croatia, ông Peter Galbraith, đã đề cập tới những hậu quả tai hại của việc không có được Hòa ước Dayton.
Ông Galbraith nói: "Hậu quả sẽ là năm 2011 chúng ta vẫn ngồi đây mà nói tới cuộc chiến 20 năm ở Bosnia-Croatia. Chúng ta sẽ có một nước Croatia giống như đảo Chypre, trong đó người Serbia chiếm cứ một phần của Croatia và tình trạng thù địch kéo dài triền miên. Và Bosnia, trong cương vị của một nguồn xung đột, chắc chắn sẽ trở thành một nơi nuôi dưỡng khủng bố."
Các diễn giả thừa nhận rằng Hòa ước Dayton không hoàn hảo. Nhưng thỏa thuận này đã mang lại hòa bình.
Có một điều được nhiều người chú ý là Serbia không có đại diện nào tại cuộc hội thảo ở New York.
Hai vị tổng thống của Bosnia và Croatia đã trình bày về những vấn đề khó khăn của họ, bao gồm vấn đề thất nghiệp, hệ thống tư pháp hoạt động thiếu hiệu quả, guồng máy hành chánh cồng kềnh, và thiếu vốn đầu tư. Ký giả truyền hình Mỹ, bà Christiane Amanpour là người điều hợp chương trình. Bà đã kêu gọi hai nhà lãnh đạo này hợp tác với nhau trong nỗ lực phát triển kinh tế và hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau trên diễn đàn. Tổng thống Bosnia Bakir Izetbegovic đã tán dương những nỗ lực hòa giải của Tổng thống Croatia Ivo Josipovic.
Ông Izetbegovic nói: "Trong vùng Balkan, có một điều dễ làm hơn. Đó là theo đuổi câu châm ngôn: 'mọi phe đều có lỗi, trừ phe ta'. Nhưng Tổng thống Josipovic đã sẵn sàng bày tỏ hối tiếc chứ không lên tiếng tố cáo người khác. Vì vậy ông ấy chính là người đã mở ra một cánh cửa mới. Rồi nhờ vậy mà chúng tôi có được một bầu không khí tốt đẹp hơn, thu hút được nhiều đầu tư hơn."
Trong phát biểu bế mạc, Tổng thống Clinton nói rằng Hòa ước Dayton là nỗ lực đầu tiên của thế giới sau Chiến tranh Lạnh nhằm chứng minh rằng loài người có thể sinh sống trong một thế giới mà mọi bên đều thắng, chứ không phải hễ có kẻ thắng thì phải có người thua. Ông nói thêm rằng sự tin tưởng này vẫn còn cần phải được chứng minh và ông hy vọng nỗ lực này sẽ thành công.
Hòa ước Dayton chấm dứt cuộc chiến tranh Bosnia ở Nam Tư cũ đã đạt được vào tháng 11 năm 1995 dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và được ký kết vào tháng 12 năm đó tại Paris. Mới đây, Tổng thống Clinton đã dẫn đầu một cuộc hội thảo ở thành phố New York để xem lại ý nghĩa của hòa ước Dayton vào thời điểm đó và ảnh hưởng của thỏa thuận hòa bình này đối với tương lai. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo bài tường thuật do thông tín viên Peter Fedinsky gởi về từ New York.
Đọc nhiều nhất
1