Đảng Dân Chủ mất vị thế đa số tại Hạ Viện trong cuộc bầu cử giữa khóa hồi tháng trước. Họ chỉ còn giữ được một đa số mong manh tại Thượng Viện.
Như vậy là sẽ có một chính phủ bị chia rẽ với Tổng Thống Barack Obama thuộc Đảng Dân Chủ, một Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo và một Thượng Viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo.
Các chuyên gia chính trị đồng ý rằng Hạ Viện sắp mãn nhiệm này sẽ đi vào lịch sử như là một trong những khóa hữu hiệu nhất trên phương diện thông qua các dự luật có tính cách lịch sử, trong đó có cải tổ triệt để hệ thống chăm sóc sức khỏe và cải tổ quan trọng các định chế tài chánh tại thị trường Wall Street.
Phân tích gia Norman Ornstein thuộc American Enterprise Institude đồng ý như vậy. Ông nói:
"Hạ Viện khóa này bị nhân dân Mỹ phàn nàn rất nhiều, hầu hết tin là không làm được chuyện gì, một số người khác thì tin rằng những gì đã thực hiện được đều xấu, nhưng ít nhất Hạ Viện khóa này cũng được xếp hạng ngang với Hạ Viện khóa 89 “Great Society” của cựu Tổng Thống Lyndon Johnson.”
Ông Ornstein nói rằng cử tri Mỹ đã trừng phạt Đảng Dân Chủ đương quyền hồi tháng 11 vừa qua bởi vì tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều người Mỹ gặp khó khăn về tài chánh.
Các phần tử ôn hòa thuộc cả hai đảng đã không được tái cử trong cuộc bầu cử này. Và một số đông các ứng cử viên có liên hệ với phe bảo thủ và phong trào Tea Party, bênh vực việc cắt giảm thuế , chi tiêu, và hạn chế tầm vóc của chính phủ đã trúng cử vào Hạ Viện.
Một trong những người đó là dân biểu tân cử thuộc Đảng Cộng Hòa, Tim Scott, của tiểu bang South Carolina, người nói rằng những dân biểu tân cử sẽ là lực lượng để thay đổi:
“Không còn gì phải nghi ngờ là khi chúng tôi tham gia Hạ Viện với một nhóm 83 người - 1/3 tổng số dân biểu thuộc Đảng Cộng Hòa - chúng tôi có cơ hội tạo ra được ảnh hưởng đáng kể tương đối mau chóng.”
Phân tích gia Norman Ornstein nói rằng, sự kiện các dân biểu Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa ôn hòa bị thay thế bởi các những người mới ồn ào hơn có nghĩa là không khí chính trị tại Washington chắc sẽ phân hóa hơn và có tính cách thù nghịch hơn.
Nhà phân tách chính trị David Hawkings của tạp chí Congressinal Quarterly cũng không có nhiều kỳ vọng ở tân Hạ Viện. Ông nói Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo sẽ có nhiều thế lực để thách thức Tổng Thống Obama:
“Điều mà Đảng Cộng Hòa có thể làm mà không bị Đảng Dân Chủ thách thức là giám sát và làm cho chính phủ lúc nào cũng bận rộn. Hạ Viện này có quyền truy tố, có thể mở nhiều cuộc điều tra, có thể thực hiện nhiều cuộc điều trần để triệu tập các phụ tá của Tổng Thống Obama và các thành viên trong chính phủ ra trước quốc hội để nhạo báng, và chỉ trích họ. Chúng ta sẽ thấy nhiều chuyện như vậy trong hai năm tới, ngay cả khi chúng ta không thấy nhiều đạo luật được ban hành.”
Các phân tích gia nói rằng, Tổng Thống chắc sẽ phải thận trọng khi tìm cách làm việc với Hạ Viện mới đầy chia rẽ này.
Nhiều chuyên gia e rằng tân Hạ Viện Hoa Kỳ được triệu tập vào tháng Giêng sẽ vướng vào những tranh chấp chính trị, khiến các nhà lập pháp khó giải quyết những vấn đề mà đất nước phải đối diện.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1