Số liệu tháng 8 cao hơn 20 tỷ đô la một chút với mức nhập khẩu vượt mức xuất khẩu. Con số này thấp hơn gần 29 tỷ đôla so với con số của tháng 7. Tuy nhiên, đây là mức thặng dư mậu dịch liên tục trong 3 tháng vượt quá 20 tỷ đôla và theo kinh tế gia trưởng về Trung Quốc Ben Simpgendorfer của Ngân hàng Hoàng gia Scotland ở Hong Kong, thì có phần chắc sẽ gây trầm trọng thêm cho sự va chạm về mậu dịch với Hoa Kỳ có liên quan đến chỉ tệ của Trung Quốc mà Mỹ cho rằng được định giá dưới mức thực tế.
Ông Simpgendorfer nói: "Tình trạng thặng dư mậu dịch ấy chắc chắn đã sụt giảm trong 3 tháng vừa qua, nhưng vẫn còn ở mức rất cao. Và sự kiện này thực sự khiến Quốc hội Hoa Kỳ có lý do để chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc, nhất là trong tình hình chúng tôi không thấy có biện pháp nào về tiền tệ trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là xuất khẩu đã yếu đi trong 3 tháng vừa qua, và điều đó sẽ khiến cho Trung Quốc, nhất là Bộ trưởng Thương mại quan ngại thêm về khu vực xuất khẩu của họ và sẽ tiếp tục cưỡng lại những thay đổi cho dù là khiêm nhường nhất trong chính sách tiền tệ.”
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng chỉ trên 34% trong tháng 8, ở mức khoảng 140 tỷ đôla so với 38% trong tháng 7, ở mức khoảng 145 tỷ đôla. Ông Simpfendorfer dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm. Điều đó, theo ông Ken Peng, một kinh tế gia làm việc cho Citibank ở Bắc Kinh, kèm theo với mức nhập gia tăng, sẽ chỉ làm cho Trung Quốc kiên quyết thêm trong việc cưỡng lại những yêu cầu thay đổi chính sách tiền tệ của họ.
Ông Peng nói: “So với tháng trước, mức thặng dư nhỏ hơn nhiều và lượng nhập khẩu lớn hơn nhiều. Vì vậy, theo tôi, xét từ quan điểm của Bắc Kinh, điều này sẽ thực sự bênh vực cho lập luận nghịch lại bởi vì mức nhập khẩu tăng, và mức thặng dư giảm, nhưng xét từ quan điểm của Washington DC thì tôi nghĩ điều này sẽ không giúp ích bao nhiêu. Tôi cho rằng có một tiếng nói rất mạnh đòi tìm cách giải quyết tình trạng thất nghiệp của Mỹ qua mậu dịch.”
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner hôm thứ tư tuyên bố Trung Quốc đã “không để cho chỉ tệ nhúc nhích bao nhiêu tính cho đến nay và chúng ta muốn thay họ có biện pháp nhanh chóng hơn.” Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã hối thúc chính quyền Obama yêu cầu tăng giá đồng nguyên nhanh hơn. Uỷ ban Chuẩn chi Hạ viện sắp thảo luận về vấn đề này trong một cuộc điều trần vào tuần tới. Trung Quốc đã hạn chế việc tăng giá đồng nguyên ở mức chưa đầy 1% so với đồng đôla kể từ khi đưa ra một cam kết hồi tháng Sáu là sẽ linh động hơn.
Ông Ken Peng của Citibank cho rằng một lý do khiến Trung Quốc cưỡng lại việc tăng giá thêm là sự kiện nền kinh tế trong nước của chính họ cũng đang bị chậm lại.
Ông Peng nói tiếp: “Tôi nghĩ nền kinh tế nội địa của Trung Quốc đang chậm lại vì những biện pháp siết chặt trong nước và cũng vì xuất khẩu nay mai sẽ yếu đi vì nhu cầu ở Hoa Kỳ và châu Âu tiếp tục trì trệ.”
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 10,3% trong quý hai sau tỷ lệ tăng trrưởng 11,9% trong quý một. Ông Ben Simpfendorfer của Ngân hàng Hoàng gia Scotland dự kiến mức tăng trưởng trong năm 2010 ở Trung Quốc vào khoảng từ 8% đến 9%. Và với những mối lo ngại về lạm phát còn kéo dài, ông nói ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể sẽ nâng cao một lãi suất chính để giảm bớt nhu cầu.
Chính phủ Trung Quốc đã công bố các số liệu hôm nay cho thấy mức thặng dư mậu dịch của nước này vẫn còn cao, nhưng đang co cụm dần vào lúc hàng nhập khẩu vượt mức hàng xuất khẩu vào tháng 8. Hai kinh tế gia chuyên theo dõi sát Trung Quốc trông đợi Bắc Kinh sẽ tiếp tục chống lại áp lực của Mỹ đòi tăng giá thêm chỉ tệ của họ và giúp tăng tốc nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Victor Beattie.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1