Đường dẫn truy cập

Đối thoại An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung: Vấn đề Bắc Triều Tiên đứng đầu nghị trình


Hôm thứ Hai, gần 200 giới chức Mỹ sẽ khởi sự đàm phán với các vị tương nhiệm Trung Quốc trong vòng thứ hai của cuộc Đối thoại Mỹ-Trung về An ninh và Kinh tế diễn ra ở Bắc Kinh. Hội nghị hàng năm này có mục đích tăng cường phối hợp giữa các chính sách an ninh và kinh tế của hai nước. Trong các cuộc thảo luận năm nay, giới phân tích tình hình Trung Quốc nói rằng các quan tâm về những căng thẳng đang lên cao trên bán đảo Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong nghị trình thảo luận, và có thể là một nguồn gây bất đồng.

Các giới chức Mỹ nói Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài Chính Timothy Geithner đang lãnh đạo một trong các phái đoàn quan chức Mỹ, từ cấp Nội các cho tới các cấp thấp hơn, đông đảo nhất từ trước tới nay đến thăm Trung Quốc.

Hầu hết mọi thành phần chính phủ Hoa kỳ đều được đại diện, kể cả những nhân vật chủ chốt trong Bộ Quốc phòng và Bộ Tư Lệnh Lực lượng Hoa kỳ tại Thái bình dương.

Những cuộc đàm phán hôm thứ Hai và thứ Ba sẽ do Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Geithner đồng chủ tọa với Chủ tịch Quốc vụ viện Đái bỉnh Quốc, và Phó Thủ Tướng Trung Quốc Wang Qishan.

Trong các buổi họp, Washington và Bắc Kinh sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề chính trị và kinh tế, vốn có lúc đã gây lấn cấn trong quan hệ song phương.

Giới phân tích Trung Quốc nói các buổi họp này sẽ tạo cơ hội cho hai bên thảo luận những phương cách mà nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ Ba trên thế giới có thể ổn định nền kinh tế toàn cầu, và giúp cho Châu Aâu đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính mới nổi lên.

Ông Shi Yinhong, Giáo sư môn Bang giao Quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nói những lời tố cáo mới đây rằng Bắc Triều Tiên đã đánh chìm một tàu chiến Nam Triều Tiên hồi tháng Ba, giết chết 46 thủy thủ, có thể là một đề tài chủ yếu được mang ra thảo luận. Giáo sư Shi nói:

“Vị thế của Trung Quốc rõ ràng còn cách rất xa vị thế của Nam Triều Tiên và Hoa kỳ về điểm này, thế cho nên tôi tin rằng vấn đề quan trọng nhất, cấp bách nhất và gây bất đồng nhiều nhất là vấn đề Bắc Triều Tiên.”

Ngoại trưởng Clinton nói Hoa kỳ đang làm việc với Nhật bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên để xác định một “phản ứng quốc tế” trước sự cố này.

Trung Quốc là đồng minh chủ yếu và cũng là nước ủng hộ tài chính chính của Bắc Triều Tiên. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn duy trì vị thế trung lập trước những kết luận của một phúc trình của Seoul, và đã kêu gọi cả hai miền Triều Tiên hãy tự chế.

Giáo sư Shi nói rằng tùy theo Ngoại trưởng Clinton hối thúc mạnh tới mức nào, Trung Quốc có thể đưa ra một nhượng bộ nhỏ để cho phép vấn đề được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tuy nhiên ông tỏ ra nghi ngờ vấn đề này sẽ đi xa hơn thế. Giáo sư Shi nhận định:

“Trung Quốc đã tỏ ra hết sức miễn cưỡng, ngay cả chấp nhận một tuyên bố lên án Bắc Triều Tiên không bắt buộc, chứ đứng nói gì tới một nghị quyết đề ra các biện pháp cấm vận để trừng phạt Bắc Triều Tiên.”

Ông Lin Chong-Pin, giáo sư môn nghiên cứu chiến lược của Đại học Tamkang ở Đài loan nói rằng theo quan điểm của ông, Bắc Kinh đã dần dà tách xa Bình Nhưỡng, kể từ khi Bắc Triều Tiên thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ nhì hồi năm 2006. Giáo sư Lin nói:

“Trung Quốc phát hiện ra rằng ủng hộ Bình nhưỡng như đã từng làm trong quá khứ, đi ngược lại với quyền lợi quốc gia của họ. Và do đó đã tách ra khỏi lập trường ủng hộ mạnh mẽ lúc trước để chuyển sang một vị thế trung lập.”

Giáo sư Lin nói sau vụ đắm tàu, việc Trung Quốc cổ vũ cho an ninh khu vực còn quan trọng hơn, so với việc tiếp tục ủng hộ Bình nhưỡng như Bắc Kinh đã làm trong quá khứ. Giáo sư Lin nhận định tiếp:

“Hơn nữa, người Bắc Triều Tiên tiếp tục bảo Hoa kỳ đừng đi qua Bắc Kinh để nói chuyện với chúng tôi, hãy thảo luận trực tiếp với chúng tôi. Thế cho nên tôi được nghe rằng một số giới chức chính phủ và ngay cả một số tướng lãnh Trung Quốc đã tỏ ra không hài lòng với Bắc Triều Tiên từ khá lâu rồi.”

Giáo sư Lin nói nếu Trung Quốc ủng hộ Bắc Triều Tiên quá mức, điều đó có thể có tác động đến ảnh hưởng khu vực ngày càng lớn của Trung Quốc tại Nam Triều Tiên.

Thủ Tướng Trung Quốc Ôn gia bảo sẽ lên đường sang Nam Triều Tiên trong tuần này để dự một hội nghị thượng đỉnh 3 nước, có sự tham dự của Nhật bản.

Theo dự kiến cuộc tấn công vào tàu chiến Nam Triều Tiên cũng sẽ là một đề tài thảo luận tại hội nghị này.

Bên cạnh những lo lắng về Bắc Triều Tiên, theo dự kiến các giới chức Mỹ sẽ nêu lên những quan tâm về các chính sách đầu tư tại Trung Quốc, mà theo họ đang gây khó khăn cho sự cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Hai bên cũng thảo luận về chính sách của Trung Quốc trong việc định giá đồng nguyên, tuy nhiên mức độ quan trọng của vấn đề này có phần chắc sẽ được giảm nhẹ giữa lúc Washington xác định rõ rằng Mỹ đang chờ Bắc Kinh đưa ra động thái mới.

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không để bị áp lực về vấn đề này, và bất cứ sức ép nào cũng chỉ cho thấy những cố gắng của họ trong việc điều chỉnh giá trị đơn vị tiền tệ Trung Quốc mà thôi.

Về phần mình, dự kiến Trung Quốc sẽ hối thúc Hoa kỳ về những biện pháp kiểm soát hàng xuất khẩu, hạn chế những hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghệ cao. Có phần chắc Bắc Kinh cũng sẽ nhắc nhở Washington về những quan tâm của họ đối với mức nợ nần quốc gia của Hoa kỳ.

Giới phân tích nói điều đáng ngạc nhiên là Washington và Bắc Kinh đến dự họp với nhau mà không có cuộc tranh chấp lớn nào phải giải quyết trước mắt, đặc biệt trong bối cảnh những sóng gió trong các quan hệ song phương cách đây chỉ mới vài tháng.

Giáo sư David Shambaugh, một học giả chuyên về các vấn đề Trung Quốc tại Đại học George Washington ở thủ đô Hoa kỳ, nói các quan hệ giữa hai bên đã bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng khởi sự từ chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng Thống Obama hồi năm ngoái.

Những căng thẳng này tiếp tục với một loạt sự kiện, như bản án 11 năm tù giam dành cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động bênh vực nhân quyền Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, việc Hoa kỳ thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, rồi đến chuyến đi thăm Washington của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây tạng, và những căng thẳng khác về thương mại.

Giáo sư Shambaugh nhận định:

“Nhưng đó là chuyện mùa Đông, thế rồi mùa Xuân đến. Chúng ta đã thấy rằng trong khoảng 6 tuần lễ gần đây, rõ ràng hai chính quyền đã cố gắng ổn định hóa mối quan hệ mà trước đó hầu như đang tuột dốc.”

Giáo sư Shambaugh nói bất cứ ai trông đợi sẽ có những thỏa thuận lớn sau các cuộc họp tuần này, coi như đã không thấu hiểu mục đích rộng lớn hơn của các cuộc đàm phán.

Ông nói mục đích là tụ họp tất cả những nhân vật chủ yếu trong một phòng hội, để thảo luận về những vấn đề toàn cầu, nội địa và khu vực.
Ông nhận định tiếp:

“Đừng trông đợi những kết quả quá cụ thể từ các cuộc đối thoại an ninh và kinh tế Mỹ-Trung. Đó không phải là mục đích của những cuộc đàm phán, mà mục đích của nó là một cuộc đối thoại rộng rãi, xuyên qua những thủ tục hành chánh, bao quát nhiều vấn đề. Đây là một cuộc đối thoại cố gắng vượt thắng những quan điểm hạn hẹp trong hệ thống hành chánh của cả hai chính quyền, đặc biệt của Trung Quốc.”

Quả vậy, một số nhà chỉ trích đã lưu ý rằng có quá ít kết quả cụ thể từ hội nghị Mỹ-Trung lần này. Họ nói các giới chức của cả hai nước đều đã gặp và thảo luận với nhau một cách đủ rồi trên căn bản thường xuyên.

Giáo sư Shambaugh của Đại học George Washington nói ông tin rằng các cuộc hội họp này vẫn quan trọng, nhưng ông tin rằng hội nghị thường niên có thể được cải thiện với việc thành lập các toán công tác hậu hội nghị, để giúp tăng giá trị cuộc Đối thoại An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, hơn là chỉ là “một sự kiện chỉ kéo dài hai ngày, và ngưng trệ trong suốt thời gian còn lại trong năm”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG