Ảnh hưởng ngày càng tăng của Á Châu là một xu thế chính của thế kỷ thứ 21. Đó là nhận định của nhiều nhà quan sát tình hình thế giới.
Ông Robert Hormats, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách kinh tế, năng lượng và nông nghiệp, cho biết như sau về xu thế này.
Ông Hormats nói: "Cũng như sự trỗi dậy của Đức đã định hình cho thế kỷ 19 và sự trỗi dậy của Hoa Kỳ định hình cho thế kỷ 20, sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ như những cường quốc thế giới sẽ làm chuyển đổi khung cảnh địa chính trị của thế kỷ 21. Vì vậy, chúng ta đang từ một thế kỷ xuyên Đại tây dương tiến vào một thế kỷ xuyên Thái bình dương và Trung Quốc với Ấn Độ chính là trọng tâm của sự chuyển đổi này."
Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế tại Washington, thứ trưởng Hormats nói rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm cách cân bằng các mối quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ trong lúc những mối liên hệ với Ấn Độ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Ông Hormats cho biết: "Làm thế nào để xử lý mối quan hệ tay ba này bằng một cách thức có tính chất hợp tác chứ không phải cạnh tranh sẽ là một vấn đề rất quan trọng. Trung Quốc đã theo dõi sát sự lớn mạnh của mối quan hệ Mỹ-Aán, kể cả quan hệ về mặt quốc phòng. Hiện nay quân đội Ấn Độ diễn tập với chúng ta nhiều hơn với bất kỳ quốc gia nào khác."
Xét về nhiều phương diện, mối quan hệ trực tiếp giữa Trung Quốc với Ấn Độ hiện nay vẫn có nhiều khó khăn. Một phần rất lớn của đường biên giới giữa hai nước trong vùng Hy Mã Lạp Sơn còn đang trong vòng tranh chấp; và theo ông Ed Luce, bình luận gia kỳ cựu của tờ Financial Times, tình trạng tranh chấp này làm nghẽn lưu lượng của số người qua lại giữa hai nước, hạn chế những hoạt động tiếp xúc trực tiếp và sự hiểu biết lẫn nhau.
Ông Luce nói: "Số chiếu khán nhập cảnh được cấp phát mỗi năm vẫn còn ở mức vô cùng ít oi nếu chúng ta xét tới sự kiện là hai nước này giáp ranh với nhau và là hai nước khổng lồ. Đây là hai nước đông dân nhất thế giới. Cho nên khả năng hiểu lầm nhau rất là lớn."
Thứ trưởng Hormats nói rằng tình trạng dễ xảy ra ngộ nhận như vậy giữa Trung Quốc và Ấn Độ khiến cho Hoa Kỳ có thể lâm vào một tình huống tế nhị về mặt ngoại giao.
Ông Hormats nói: "Ấn Độ muốn có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc vì họ biết rằng hai nước là láng giềng của nhau và họ biết rằng hai nước đều có vũ khí hạt nhân và họ muốn mua bán với Trung Quốc. Họ không muốn bị mắc kẹt trong cỗ máy của quan hệ Mỹ-Trung."
Trong lãnh vực bang giao quốc tế, các hành động giữa hai quốc gia với nhau thường được định đoạt bởi sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, ông Luce không nghĩ rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang ở trên con đường dẫn tới xung đột:
Ông Luce cho biết: "Có một sự lo ngại lẫn nhau ở đây, nhưng đồng thời, các mối liên hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Vì vậy cho nên chúng ta có một bức tranh phức tạp hơn nhiều so với bức tranh mà chúng ta có được nếu chúng ta chỉ chú ý tới phạm trù chiến lược. Và cả hai nước đều nhận thức rất rõ về lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của mình và về sự tin tưởng lẫn nhau, trong lúc kinh tế của họ không ngừng tăng trưởng. Và xung đột chính là điều sẽ giết chết sự tăng trưởng đó. Cho nên tôi không nghĩ là hai nước này chắc chắn sẽ xảy ra xung đột."
Tình hình này giúp cho Hoa Kỳ có thể góp phần tạo ra một hoàn cảnh mà trong đó cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều có thể trở nên giàu mạnh hơn bằng cách tuân hành những cách thức làm việc mà các nước Tây phương đã xây dựng trong thế kỷ trước. Về việc này, ông Karl Inderfurth, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Nam Á, cho biết như sau:
Ông Inderfurth nhận xét: "Một trong những cách thức mà chúng ta nên làm và đang làm để tìm cách ảnh hưởng tới các chính sách của họ là khuyến khích họ tuân thủ các luật lệ và qui định toàn cầu ở một mức độ lớn hơn trong các lãnh vực thương mại, đầu tư, và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí thức; bởi vì hai nước này đang có một phần hùn ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu."
Đại sứ Inderfurth, hiện là Cố vấn Cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, nói rằng khả năng chuyên môn của Hoa Kỳ trong lãnh vực công nghệ giúp cho Washington có được một phương cách độc đáo để tăng cường quan hệ với New Dehli tới mức giao tiếp với người dân bình thường ở Ấn Độ.
Ông Inderfurth nói thêm: "Một trong những yếu tố hấp dẫn nhất hiện nay của mối quan hệ Mỹ-Ấn là làm thế nào chúng ta có thể lợi dụng sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trong lãnh vực công nghệ cao để mang lại lợi ích cho người dân bình thường ở những vùng thôn quê ở Ấn Độ. Và cũng tương tự như vậy, một trong những điều mà chúng tôi đã tìm cách thực hiện ở Hoa Kỳ là chứng tỏ cho người dân nước Mỹ thấy rằng họ được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế với Ấn Độ."
Ông Inderfurth cho rằng sự nhận thức rõ rệt hơn về những lợi ích trực tiếp như vậy sẽ góp phần giải tỏa một số những mối lo ngại ở Hoa Kỳ, nơi có nhiều công ăn việc làm đã bị chuyển ra nước ngoài, đặc biệt là sang Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đông dân nhất thế giới, và gộp chung lại với nhau, hai nước này là thị trường lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế và cơ hội của cả thế giới. Trong lúc hai nước lớn ở Á Châu này chiếm giữ vị thế quan trọng hơn trong các lãnh vực kinh tế, an ninh và các vấn đề khác trên toàn cầu, Hoa Kỳ đang tìm cách duy trì một sự cân bằng tích cực giữa Bắc Kinh và New Delhi. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên VOA Jim Stevenson.
Đọc nhiều nhất
1