Phát biểu với các phóng viên về bản phúc trình về nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách nhân quyền Micheal Posner đã đặc biệt nêu ra điều ông gọi là “một cuộc trấn áp thực sự” nhắm vào những người tranh đấu ở Trung Quốc trong mấy năm vừa qua, và những hạn chế gắt gao hơn đối với các tổ chức phi chính phủ.
Ông Posner nói: “Người ta có cảm tưởng rằng không gian bị thu hẹp cho những thành phần đó – cho dù họ là ký giả, luật sư hay những người tranh đấu thuộc các tổ chức phi chính phủ.”
Ông Posner nói rằng hai trường hợp trong năm ngoái khiến chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm.
Một là vụ ông Lưu Hiểu Ba bị kết án tù 11 năm về tội lật đổ chính quyền. Ông Lưu bị kết án tù vì đã góp phần phát động một bản kiến nghị trên mạng có tên là Hiến Chương 08 – kêu gọi mở rộng nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc.
Trường hợp thứ hai là vụ bắt giữ luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh mà cho tới hồi gần đây vẫn chưa biết ông đang ở đâu.
Tin cho hay ông Cao đã bị nhân viên an ninh bắt đi cách đây hơn 1 năm. Nhưng tháng trước, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã gửi email cho một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ cho biết ông đang sống ở tỉnh Tân Cương hẻo lánh.
Ông Posner cũng nêu ra rằng Bộ Ngoại giao vừa được tin về một hệ thống mới thừa nhận quyền hành nghề báo chí ở Trung Quốc buộc các ký giả Trung Quốc phải học tập về các lý thuyết về tin tức kiểu Macxit.
Giám đốc Human Rights ở châu Á, bà Sophie Richardson nói rằng trong năm vừa qua ở Trung Quốc rất u ám.
Bà Richardson nói: “Tôi cho rằng năm vừa qua còn tệ hại hơn so với năm trước đó. Nếu ta chỉ nhìn vào tháng 12, thì trong vòng 2 tuần lễ, ta đã thấy ông Lưu Hiểu Ba bị lãnh án 11 năm tù, ta thấy chính phủ Trung Quốc dựa vào Kampuchea để gửi 20 người Uighur trở về nước và lần đầu tiên trong 50 năm, ta chứng kiến chính phủ Trung Quốc hành quyết một người nước ngoài.”
Bà Richardson nói thêm rằng những hành động như thế của Trung Quốc không chỉ nói lên bầu không khí tệ hại về nhân quyền ở đó.
Bà Richardson nói tiếp: “Theo tôi nó còn là một sự khẳng định khá mãnh liệt về mức độ thờ ơ, ngày càng thờ ơ hơn của chính phủ Trung Quốc đối với những mối quan tâm của các chính phủ khác về nhân quyền và đấy không phải là một dấu hiệu tốt.”
Trong phần báo cáo về Trung Quốc, bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu lên mối quan ngại về điều mà bộ gọi là “tình trạng đàn áp văn hóa và tôn giáo nghiêm trọng” đối với những người thiểu số sắc tộc Uighur ở Tân Cương cũng như những biện pháp kiểm soát chặt chẽ liên tục trong những khu vực của người Tây Tạng ở khắp Trung Quốc.
Bản phúc trình cũng nêu ra rằng những vụ vi phạm nhân quyền trong năm ngoái lên đến cao điểm trong những dịp quan trọng, như kỷ niệm 20 năm vụ nổi đây ở Quãng trường Thiên An Môn và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng thành tích nhân quyền yếu kém của Trung Quốc lại còn tệ hại hơn trong năm ngoái với những vụ sách nhiễu và giam giữ những người tranh đấu cho nhân quyền. Thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ Washington.