Tháng trước, khi Hoa Kỳ loan báo bán một số võ khí cho Đài Loan trị giá 6 tỉ đô la, Trung Quốc đã mau chóng phản ứng bằng cách tuyên bố ngưng các vụ trao đổi quân sự đã được dự trù với Hoa Kỳ và đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những công ty can dự vào vụ mua bán này.
Trong những tuần lễ mới đây, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn. Thêm vào thoả thuận mua bán võ khí, những bất đồng ý kiến liên quan tới hối suất chỉ tệ của Trung Quốc với đô la Mỹ và quan tâm của Hoa Kỳ đối với việc Trung Quốc kiểm duyệt Internet khiến quan hệ giữa hai nước càng xấu đi.
Và - như các giới chức Trung Quốc đã nói - cuộc họp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với nhà lãnh đạo tinh thần sống lưu vong của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, sắp diễn ra trong tuần này sẽ đe dọa tới sự tin tưởng và hợp tác hai nước.
Hồi năm 2007, khi Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma, vào khoảng cùng thời gian với việc bán võ khí cho Đài Loan được chấp thuận, Trung Quốc đã từ chối không cho nhiều chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ được cặp bến Hồng Kông.
Một số các nhà phân tích nói rằng, việc chấp thuận cho ghé Hồng Kông trong tuần này có thể là một cử chỉ bày tỏ thiện chí giữa lúc căng thẳng gia tăng. Những người khác thì nói rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Hoa Kỳ.
Ông Ma Dingsheng, một nhà phân tích quân sự tại Hồng Kông, nói:
“Nếu Trung Quốc cho phép tầu Nimitz cặp bến cảng Hồng Kông thì đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã mềm dẻo hơn trong chính sách quân sự và ngoại giao với Hoa Kỳ, khiến hai nước có thêm điều kiện để phát triển quan hệ.”
June Dreyer, giáo sư chính trị học tại trường đại học Miami nhận xét:
“Cho phép chiếc Nimitz thả neo tại Hồng Kông có thể là dấu hiệu Bắc Kinh cảm thấy họ quá hung hăng cho nên cần phải có cử chỉ làm dịu thái độ hung hăng đó. Tôi cho rằng sau khi nghĩ lại, Bắc Kinh cho rằng lời phản đối chuyện Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan chỉ là chuyện mà họ tự động phải làm mà thôi. Chứ còn những thứ vũ khí mà Đài Loan giả sử có mua cũng chẳng làm thay đổi cán cân lực lượng giữa Đài Loan và Trung Quốc.”
Wendell Minnick, đại diện châu Á của tờ Defense News phát biểu:
“Trung Quốc thường hay tạo ra một cuộc khủng hoảng khi họ muốn một cái gì đó từ phía Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ sẽ có xung đột vũ trang, nhưng trong những tháng sắp tới, có thể có những căng thẳng dưới hình thức chẳng hạn như gây rối các tàu chiến của Mỹ, giống như họ đã làm hồi năm ngoái với chiếc Impeccable.”
Các chuyên viên khác cho rằng sự căng thẳng hiện nay sẽ không kéo dài, vì đôi bên có nhiều đề tài cấp bách hơn, đòi hỏi hai bên phải hợp tác, trong đó có tình hình kinh tế toàn cầu và khí hậu biến đổi.
Theo dự kiến, tầu Nimitz sẽ tới Hồng Kông vào Thứ Tư này, một ngày trước khi Tổng thống Barack Obama gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trung Quốc đã cho phép tầu sân bay Nimitz của Mỹ ghé cảng Hồng Kông trong tuần này, mặc dù mới đây họ quyết định ngưng các vụ trao đổi quân sự với Hoa Kỳ. Thông tín viên đài VOA William Ide tại thủ đô Washington ghi lại một số nhận định chuyên môn.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1