Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ mới ký một thỏa thuận, mở đường cho việc tẩy độc dioxin tại Sân bay Đà Nẵng vào giữa năm 2011.
Bản Ghi nhận Ý định (gọi tắt là MOI) giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam – cơ quan chịu trách nhiệm tẩy độc – đã ‘khẳng định mong muốn hợp tác của hai chính phủ với hy vọng rằng việc tẩy độc có thể bắt đầu vào tháng 7 năm 2011 và sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm 2013’.
Đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt tới một mức độ hợp tác mà chỉ vài năm trước đây, ‘không ai nghĩ có thể đạt được’.
Ông Michalak cũng cho rằng hợp tác về tẩy độc dioxin tại Đà Nẵng là ‘một ví dụ tuyệt vời về khả năng cùng làm việc có tính chất xây dựng để giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại và xây dựng một mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển vững mạnh hơn’.
Từ năm 2001, chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về môi trường và sức khỏe có liên quan tới chất da cam/dioxin.
Từ năm 2007, Hoa Kỳ đã cung cấp 23,3 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động về môi trường, y tế và trợ giúp người khuyết tật ở Đà Nẵng, bên cạnh các chương trình khác được thực hiện trên toàn Việt Nam.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, máy bay Hoa Kỳ đã bay từ các căn cứ trong đó có Đà Nẵng, mang theo chất da cam và các chất khác bị coi là chứa chất dioxin có thể gây ung thư, rải xuống các khu rừng.
Các chuyên gia đã xác định hai nơi từng là căn cứ không quân của Hoa Kỳ là ‘các điểm nóng’ nhiễm dioxin.
Trong năm 2010, Liên Hiệp Quốc đã thông báo một dự án trị giá năm triệu đôla nhằm tẩy độc dioxin tại một điểm nóng đó là sân bay Biên Hòa.
Một bác sĩ Việt Nam từng ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân của các hóa chất rải xuống Việt Nam trong thời chiến.
Đọc nhiều nhất
1