Sau 9 tháng tăng thêm 30 ngàn quân và giao tranh, đánh dẹp tại Afghanistan, các giới chức quốc phòng của Hoa Kỳ cho biết đang có những tiến bộ trong cuộc chiến nhắm vào Taliban và al-Qaida.
Lên tiếng tại thủ đô Kabul mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói rằng kế họach mới cho Afghanistan thành công vì Taliban đã kiểm soát được ít hơn nhiều những phần lãnh thổ mà họ kiểm soát một năm trước đây. Ông nói:
"Tôi sẽ trở về và tin tưởng rằng chiến lược của chúng ta đang mang lại hiệu quả và chúng ta sẽ có thể thành đạt được những mục tiêu chính yếu do Tổng thống Obama đề ra năm ngoái."
Những mục tiêu đó gồm cả việc chuyển giao trách nhiệm gìn giữ an ninh cho các lực lượng Afghanistan và để chính phủ Afghanistan giữ nhiệm vụ đó trên toàn quốc, hạn chót là cuối năm 2014.
Những mục tiêu do Tổng thống Obama đề ra cũng gồm cả việc không để cho al-Qaida và Taliban có nơi ẩn náu an toàn và khả năng lật đổ chính phủ Afghanistan.
Giáo sư Bruce Hoffman dạy tại đại học Georgetown nói rằng trong lúc al-Qaida bị những áp lực to lớn vì những vụ tấn công bằng máy bay không người lái trong khu vực bộ tộc của Pakistan dọc theo biên giới Afghanistan, nhóm khủng bố này tiếp tục mở cuộc chiến tiêu hao nhắm vào các quốc gia Tây phương. Ông nói:
"Chiến lược của họ là làm chúng ta hao mòn và cũng để buộc chúng ta phải chi tiêu nhiều hơn cho vấn đề an ninh nội địa và kéo dài cam kết quân sự của chúng ta ở hải ngoại đến mức cao nhất có thể được."
Tư lệnh chỉ huy các lực lượng NATO và Hoa Kỳ tại Afghanistan, tướng David Petraeus, cho biết các lực lượng đồng minh và Hoa Kỳ đã đạt được đà tiến từ tay Taliban trong nhiều khu vực trọng yếu, nhưng một số vẫn còn bị quân nổi dậy kiểm soát. Ông cho biết:
"Rõ ràng là Taliban vẫn còn có những vùng trong đó họ tự do đi lại, và trong một số trường hợp có thể cho là họ vẫn giữ được đà tiến, vì thế còn phải nỗ lực nhiều ở những nơi đó."
Hầu hết những nỗ lực trong chuyện tăng quân tập trung vào các tỉnh Kandahar và Helmand ở miền nam Afghanistan, những nơi mà từ trước đến nay vẫn là cứ điểm của quân nổi dậy.
Trong lúc binh sỹ Mỹ đã đạt được tiến bộ trong việc bình định khu vực đó, vẫn có những lo ngại là Taliban đang gia tăng sự hiện diện ở bắc Afghanistan, trong những nơi từng có thời được coi là an toàn.
Ông Muhammad Tahir, một phân tích gia cho đài phát thanh Âu châu Tự do, đã từng lưu lại Afghanistan một thời gian khá lâu. Trong chuyến đi mới đây đến tỉnh Kunduz ở miền bắc nước này, ông Tahir cho biết có khá nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của Taliban ở đó. Ông nói:
"Vấn đề an ninh rất quan trọng, Cần phải làm thế nào để có được an ninh, nếu như không có đủ an ninh thì sẽ có những kẻ khác chen vào, đó là Taliban, những phần tử chủ chiến, từ nước ngoài xâm nhập hay ngay tại địa phương. Họ sẽ chen vào và kiểm soát an ninh."
Ông Amrullah Saleh, cựu giám đốc Ban Chỉ huy An ninh Quốc gia của Afghanistan, cho biết điều then chốt để đánh bại Taliban là cắt đứt sự hỗ trợ tại những nơi trú ẩn an toàn của họ ở khắp khu vực biên giới tại Pakistan.
Ông Saleh cho rằng trong lúc vụ tăng quân của Hoa Kỳ năm nay đã đem lại an ninh cho một số khu vực, nó đã không đạt được những mục tiêu chính của cuộc chiến. Ông đưa ra những câu hỏi như sau:
"Vụ tăng quân đã có mang lại một thay đổi căn đễ trong những vấn đề cơ bản hay không? Đã có thay đổi gì ở Pakistan hay không? Câu trả lời là không. Chúng ta có bắt được, hạ sát hay đưa ban lãnh đạo của Taliban ngồi vào bàn thương thuyết hay không? Câu trả lời là không. Chúng ta có đánh bại được al-Qaida hay không? Câu trả lời cũng vẫn là không."
Giám đốc chấp hành của Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh tại Islamabad, ông Imtiaz Gul nói rằng phải mất thêm thời giờ mới xác định được là chiến lược của Tổng thống Obama cho cuộc chiến Afghanistan có mang lại hiệu quả hay không. Ông nói:
"Trên tầm mức chiến thuật, đã có một số tiến bộ được tướng Petraeus và chính phủ Afghanistan phúc trình. Nhưng những thắng lợi hay thành công chỉ có tính cách chiến thuật không nhất thiết sẽ có nghĩa là có được các giải pháp lâu bền và ôn hòa. Vì thế quí vị phải thực sự xét tới ảnh hưởng trong những tháng sắp tới để quyết định xem vụ tăng quân có thành công hay không."
Thời hạn quan trọng kế tiếp trong chiến lược của cuộc chiến Iraq là tháng Bảy năm 2011, khi tổng thống Obama đã ấn định là thời điểm ông muốn bắt đầu cuộc giảm quân từ từ ra khỏi Afghanistan.
Các giới chức quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ cho hay chiến lược mới cho cuộc chiến tại Afghanistan do Tổng thống Obama loan báo cách nay 1 năm đang có hiệu quả, nhưng một số các chuyên gia phân tích tình báo và quân sự nói rằng cuộc chiến còn lâu lắm mới kết thúc. Những nhận định này được đưa ra giữa lúc Tòa Bạch Ốc chuẩn bị cho cuộc duyệt xét vào lúc cuối năm đã được tiên liệu từ lâu về chính sách đối với Afghanistan.