Đường dẫn truy cập

Phúc trình UNAIDS: 8 triệu người đang được điều trị bệnh AIDS


Một phụ nữ được xét nghiệm HIV-AIDS miễn phí ở Lira, Uganda (hình lưu trữ)
Một phụ nữ được xét nghiệm HIV-AIDS miễn phí ở Lira, Uganda (hình lưu trữ)
Hơn 8 triệu người xét nghiệm dương tính với virút HIV trên khắp thế giới đang được chữa bằng thuốc đặc trị, tăng 20% so với năm trước. Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV-AIDS, tức UNAIDS, vừa công bố một phúc trình mới trong thời gian dẫn tới Hội nghị Quốc tế Bệnh AIDS lần thứ 19, sẽ được tổ chức tại thủ đô Washington DC. Thông tín viên Joe De Capua của VOA tường trình thêm chi tiết:

Phúc trình mới nhất của UNAIDS mang tựa đề là “Cùng nhau, chúng ta sẽ chấm dứt dịch AIDS” nói rằng chỉ nội trong năm ngoái, gần 1,4 triệu người có tên trên danh sách được chữa trị. Hiện có hơn 34 triệu người trên thế giới phải sống với virút HIV, và phúc trình này nói rằng số bệnh nhân được chữa trị tăng lên mức cao nhất so với bất cứ thời điểm nào khác, nhờ tiếp cận dịch vụ chữa trị dễ dàng hơn và được cấp các liều thuốc cứu mạng.

Ông Michel Sidibé
Ông Michel Sidibé
Ông Michel Sidibé là giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV-AIDS (UNAIDS). Ông nói:

“Cá nhân tôi tin rằng đây là một kỷ nguyên mới đối với khâu chữa trị và ngăn ngừa bệnh AIDS. Nhưng theo nhận định của riêng tôi, đây cũng là điểm khởi đầu trên con đường tiến tới mục tiêu, không còn ai bị nhiễm hay chết vì bệnh AIDS nữa.”

Ông Sidibé nói rằng đây cũng là kỷ nguyên mới của trách nhiệm chung, trách nhiệm hỗ tương và tình liên đới toàn cầu:

“Ba cột trụ đó chắc chắn sẽ hướng dẫn không những các cuộc thảo luận của chúng ta trong mấy ngày tới đây, mà có thể còn ảnh hưởng tới cách đáp ứng của chúng ta trong những năm tháng sắp tới.”

Ông nói thêm rằng số tiền chi ra để phòng chống HIV-AIDS là tiền tiêu xài đúng chỗ. Tiền đầu tư toàn cầu đổ vào công tác phòng chống HIV lên tới gần 17 tỉ đôla trong năm 2011.

Các quốc gia có lợi tức thấp và trung bình đã tăng đáng kể số tiền đầu tư vào cuộc chiến chống dịch bệnh AIDS. Số tiền mà các nước chi ra vào nỗ lực phòng chống căn bệnh AIDS hiện đã qua mặt số tiền quốc tế đầu tư vào lĩnh vực này, lần đầu tiên từ trước tới nay. Thí dụ, Nam Phi hồi năm ngoái đã đầu tư 2 tỉ đôla vào nỗ lực chống AIDS.

Phần lớn ngân khoản tài trợ quốc tế dành cho chữa trị, nghiên cứu và phòng chống AIDS là do chương trình PEPFAR (Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS), và Quỹ Toàn Cầu Chống Bệnh AIDS, Lao và Sốt rét cung cấp.

Phối hợp viên AIDS Toàn cầu của Hoa Kỳ, Bác sĩ Eric Goosby, là người phụ trách chương trình PEPFAR. Bà cho biết:

“Những thay đổi về ưu tiên và về phân phối tài nguyên mà chúng ta mạnh mẽ theo đuổi trong thời gian 3 năm qua cho các chương trình PEPFAR, đã bắt đầu mang lại kết quả. Chuyển tài nguyên đến giúp các cộng đồng gặp nguy cơ cao, nhắm vào các thành phần cốt yếu, để bảo đảm có thể nhận diện các nhóm này trong một môi trường an toàn, một không gian an toàn, để cho phép họ đăng ký và lưu lại để được chữa trị trong một thời gian.”

PEPFAR hoạt động thông qua quan hệ đối tác với chính quyền các nước, cho phép họ có tiếng nói lớn hơn trong các chương trình được thiết kế riêng cho họ.

Ông Goosby nói tiếp: “Tôi tin rằng các số liệu mà UNAIDS đưa ra trước thế giới làm tôi cảm thấy an tâm, rằng chúng ta đang ở đúng vị thế để hiểu, giám sát, và phân tích các dữ kiện ngay sau khi thu thập được. Tôi tin rằng chúng ta trong vài năm qua đã hành động để tăng tính linh động trong khả năng của chúng ta chuyển trọng tâm chương trình hoạt động của mình.”

Tuy nhiên theo Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV-AIDS, hãy còn rất nhiều điều cần phải làm, và cần có thêm hàng tỉ đôla, để đẩy mạnh công tác này.

UNAIDS nói trong năm ngoái, 2011, 1,7 triệu người đã chết vì những nguyên nhân liên quan tới AIDS, một tỷ lệ giảm hơn 24% tính từ năm 2005, lúc số tử vong tăng tới mức kỷ lục.

Bệnh lai vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong nơi những người phải sống với siêu vi HIV.

Hệ miễn nhiễm bị suy yếu của họ khiến thành phần này trở nên dễ lây nhiễm. Bên cạnh đó, năm ngoái đã có thêm 2,5 triệu ca lây nhiễm HIV mới.

Một chi tiết đáng lo khác là giới trẻ thuộc lứa từ 15 tới 24 tuổi chiếm 40% tất cả các ca lây nhiễm HIV nơi người lớn. Ða số các ca lây nhiễm xảy ra nơi các phụ nữ trẻ tuổi.

Các cuộc thăm dò cho thấy rất nhiều người trẻ tuổi vẫn thiếu hiểu biết về cách phòng chống và lây lan của HIV.

Cùng lúc, những người xét nghiệm dương tính với siêu vi HIV tại một số khu vực của Á Châu và Ðông Âu vẫn chưa thể tiếp cận các chương trình chữa trị.

Mức lây nhiễm cũng gia tăng trong thành phần đàn ông có bạn tình đồng phái tính, giới chích ma túy và giới hành nghệ mãi dâm.

Tuy vậy, phúc trình của UNAIDS kết luận rằng các nỗ lực chống HIV-AIDS đang đi đúng hướng để có thể đạt mục tiêu, là tăng số người được điều trị lên 15 triệu người trước năm 2015.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG