Ba người đàn ông ngồi trên những tấm nệm mỏng dưới lá cờ Tây Tạng trong một công viên nhỏ tại New York, đối diện tòa nhà Liên Hiệp Quốc. Mỗi ngày, từ ngày 22 tháng 2, họ đã ngồi như vậy suốt ngày trong đủ mọi loại thời tiết, từ lạnh giá, gió mưa, cho tới hôm nay, trong nắng ấm trái mùa. Nhưng dù thời tiết dễ chịu, họ vẫn trùm áo ấm, có lẽ vì nhạy cảm hơn với nhiệt độ, vì suốt hai tuần lễ họ chỉ uống nước.
Ông Shingza Rinpoche, 31 tuổi, một nhà sư Tây Tạng nổi tiếng đã rời khỏi quê nhà sống lưu vong tại Ấn Độ, đã tới New York để tỏ tình đoàn kết với đồng bào của ông. Nhà sư ngồi trên 1 tấm nệm và mặc một chiếc áo khoác màu cam nhồi lông ngỗng.
Ông Rinpoche cho biết họ đã gửi kiến nghị tới Liên Hiệp Quốc với 5 điều thỉnh cầu, trong đó có yêu cầu về một phái bộ điều tra tìm sự thực tại Tây Tạng để tìm hiểu tình hình nghiêm trọng tại đó, nơi mà ông nói mới có một bà mẹ trẻ tự thiêu.
Một loạt các cuộc tự thiêu đã liên tục diễn ra tại Tây Tạng, tại đây Nghị hội Thanh niên Tây Tạng cho hay trong năm ngoái có ít nhất hơn 20 người tự thiêu, đòi độc lập cho Tây Tạng tách khỏi Trung Quốc. Tây Tạng có 6 triệu người, và những người này đòi để Đức Đạt Lai Lạt Ma được phép về nước.
Những nhà hoạt động người Tây Tạng tố cáo Trung Quốc bóp nghẹt văn hóa, tôn giáo và những quyền tự do khác của họ. Họ nói Bắc Kinh không còn có thể làm ngơ trước tình hình đã nghiêm trọng đến mức như thế, và họ sẽ không khi nào lui bước trong những đòi hỏi của họ.
Về phía Liên Hiệp Quốc, giới chức cơ quan này cho biết đã nhận được thư của nhóm người Tây Tạng và đang cứu xét vấn đề.
Ngoài yêu cầu xin thành lập phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc, những nhà tranh đấu Tây Tạng còn yêu cầu tạo áp lực với Trung Quốc, để chấm dứt điều họ gọi là quân luật ngầm tại Tây Tạng; họ đòi cho truyền thông quốc tế được đến Tây Tạng và trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
Ông Dorjee Gyalpo, 69 tuổi, người Mỹ gốc Tây Tạng cư ngụ tại bang Minnesota, nói bằng giọng yếu ớt rằng ông sẵn sàng hy sinh mạng sống để hoàn thành mục tiêu.
Ông nói thêm là không hề có nhân quyền cơ bản tại quê hương ông, và để thay đổi điều đó ông sẵn sàng hy sinh mạng sống. Ông còn yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp để cải thiện tình hình nhân quyền tại quê hương ông.
Ông Yeshi Tenzing, 39 tuổi, một người bán áo len sinh sống tại Ấn Độ, với cặp mắt mệt mỏi đỏ hoe, nói ông tuyệt thực không chỉ vì muốn tạo nhận thức về tình hình Tây Tạng, mà ông muốn giải quyết tình trạng đó.
Ông Penpa Tsering thuộc Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng cũng cùng quan điểm với 3 người đang tuyệt thực. Ông cho biết người Tây Tạng lưu vong đang cố gắng lên tiếng thay cho những người đang còn kẹt trong nước và không có tiếng nói. Ông nói trách nhiệm của cộng đồng là giúp đỡ đồng bào, và những nhà hoạt động như ông sẵn sàng hy sinh mạng sống, như các đồng bào trong nước đã làm. Ông tỏ ý hy vọng thế giới sẽ sớm thức tỉnh trước những gì đang diễn ra tại Tây Tạng.
Tây Tạng: 3 người tuyệt thực yêu cầu Liên Hiệp Quốc hành động
- Margaret Besheer
Ba nhà hoạt động Tây Tạng đang bước sang ngày thứ 17 của cuộc tuyệt thực trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, và tuyên bố họ sẽ ở lại đó cho tới khi một phái bộ tìm sự thực được phái tới quê nhà của họ để đánh giá tình hình nhân quyền và tự do tại đó.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1