Đường dẫn truy cập

Liên đoàn Ả Rập kêu gọi ủng hộ kế hoạch chấm dứt khủng hoảng ở Syria


Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Anh William Hague nói chuyện trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình ở Syria, ngày 31/1/2012
Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Anh William Hague nói chuyện trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình ở Syria, ngày 31/1/2012

Liên đoàn Ả Rập hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ kế hoạch chính trị của khối này nhằm chấm dứt vụ khủng hoảng tại Syria, nơi hơn 5.400 người đã thiệt mạng trong 10 tháng qua. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc, thông tín viên VOA Margaret Besheer gửi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Sheikh Hamad Bin Jassim Bin Jabr Al-Thani của Qatar, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Ả Rập, nói với Hội đồng Bảo an với 15 thành viên rằng chính phủ Syria đã không thực thi cam kết đối với Liên đoàn Ả Rập là chấm dứt bạo lực và rõ ràng là họ đang theo đuổi một sách lược quân sự để chấm dứt các vụ biểu tình chống chính phủ đã kéo dài gần 1 năm nay.

Thủ tướng Qatar nói rằng sự thực là cuộc đổ máu vẫn tiếp tục và cỗ máy tàn sát vẫn đang hoạt động; bạo lực lan tràn.

Hôm thứ hai, các tổ chức nhân quyền Syria cho hay 100 người đã bị sát hại vào một trong những ngày đẫm máu nhất kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình tháng 3 năm ngoái. Tin cho hay có thêm người chết trong ngày hôm qua.

Sheikh Hamad nói rằng nếu tiếp tục, thì tình hình sẽ đe dọa đến sự ổn định trong khu vực và có thể đưa đến “các hậu quả nghiêm trọng nhất.” Ông nói nếu không chấp thuận nghị quyết do Ả Rập bảo trợ và được phương Tây hậu thuẫn, Hội đồng Bảo an sẽ gửi một thông điệp sai lầm đến chính phủ Syria và khuyến khích chính phủ này tiếp tục đàn áp dân chúng. Ông nói Liên đoàn Ả Rập không có mục tiêu nào thầm kín.

Thủ tướng Qatar nói Liên đoàn không đề nghị can thiệp bằng quân sự, mà chỉ tán thành việc sử dụng áp lực để làm cho chế độ Syria hiểu rằng họ không thể tránh né việc đáp ứng các đòi hỏi của dân chúng. Ông nói Liên đoàn không đòi hỏi một sự thay đổi thể chế bởi vì Liên đoàn tin rằng đây là vấn đề mà nhân dân Syria phải quyết định.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil ElAraby cũng phát biểu tại cuộc họp giữa các bộ trưởng. Sau đây là ý kiến của ông qua lời một người thông dịch.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập tin rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là Hội đồng Bảo an phải chấp thuận một nghị quyết quy định tất cả các bên lập tức ngưng bắn, bảo vệ dân chúng Syria và ủng hộ kế hoạch của Ả Rập hướng tới một giải pháp chính trị ôn hòa cho cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bầy tỏ sự ủng hộ của Washington đối với yêu cầu của Liên đoàn Ả Rập và nói với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ có một chọn lựa là đứng về phía nhân dân Syria và khu vực hay là đồng lõa với bạo lực kéo dài.

Bà Clinton nói: “Đây là lúc cộng đồng quôc tế phải gạt qua một bên các bất đồng riêng và gửi một thông điệp rõ ràng ủng hộ nhân dân Syria. Chọn lựa kia là bác bỏ đề nghị của Liên đoàn Ả Rập, bỏ rơi dân chúng Syria, khuyến khích kẻ độc tài – sẽ gây phức tạp thêm cho thảm kịch này, và sẽ đánh dấu một thất bại trong trách nhiệm chung của chúng ta, và làm lung lay uy tín của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.”

Ngoại trưởng Anh William Hague cũng hối thúc Hội đồng ủng hộ sáng kiến của Liên đoàn Ả Rập, và nói rằng kế hoạch đề ra một đường hướng khả tín và khả thi thoát khỏi tình trạng bạo lực.

Ông Hague nói: “Kế hoạch này sẽ gỡ bỏ các trở ngại chính đối với công cuộc cải cách và đem lại niềm tin cho người dân Syria. Nó sẽ khởi đầu một tiến trình chính trị do người Syria lãnh đạo cho phép dân chúng Syria quyết định tương lai của mình một cách êm thắm. Và nó sẽ dẫn đến một chính phủ đoàn kết quốc gia với các cuộc bầu cử.”

Hồi tháng 10 năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết ngăn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được tây phương hậu thuẫn, lên án bạo lực ở Syria. Hôm qua, hai nước này vẫn tiếp tục bầy tỏ sự dè dặt.

Moscow, đồng minh lâu đời của Damascus cũng đã bầy tỏ sự lo ngại rằng bất cứ nghị quyết nào đều có thể mở đường cho sự can thiệp quân sự, tương tự như những gì đã xảy ra tại Libya.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin phát biểu qua lời một người thông dịch.

Đại sứ Nga nói Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ nghị quyết chế tài nào hoặc dùng công cụ của hội đồng để nuôi dưỡng xung đột hay có thể biện minh cho bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài trong tương lai. Nhưng theo ông, đây không phải là vấn đề ngay lúc này. Ông nói Hội đồng không thể áp đặt các thông số cho một giải pháp chính trị nội bộ, và đơn giản không có quyền làm như thế theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc.

Đặc sứ Trung Quốc Lý Bảo Đồng cũng có lập trường giống như Nga, và nói rằng Bắc Kinh theo một đường lối thận trọng đối với các biện pháp chế tài và chống đối các tập tục đòi thay đổi thể chế.

Các nhà ngoại giao cho rằng các cuộc thương nghị sẽ tiếp tục trong những ngày sắp tới về nghị quyết do Hội đồng Bảo an đề xuất trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận hay ít nhất là tránh việc Nga hay Trung Quốc phủ quyết đề nghị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG