Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc Bashar Ja'afari nói với các phóng viên báo chí rằng nghị quyết đã bị đánh bại nhờ vào điều mà ông gọi là sự sáng suốt, công bằng, và khách quan của một số thành viên trong Hội đồng Bảo an. Tuyên bố của ông Ja'afari được đưa ra cùng lúc với ý kiến của các đại diện Nga và Trung Quốc về những cải cách được chính phủ Syria công bố để đáp lại các đòi hỏi của những người chống đối.
Ông Ja'afari nói: "Chính phủ nước tôi quan tâm sâu sắc đến việc tiếp tục tiến trình cải cách để đáp ứng ước muốn của nhân dân chúng tôi. Tiến trình cải cách này xuất phát từ nhu cầu thiết yếu từ bên trong quốc gia của chúng tôi. Tiến trình đó không bị, và sẽ không bị chi phối từ bên ngoài."
Đại diện của Nga nói rằng các cải cách bao gồm các biện pháp chống tham nhũng, khuyến khích tự do báo chí và phát triển nông thôn. Đại diện của Trung Quốc kêu gọi đối thoại để giải quyết tình trạng bạo động tại Syria.
Lập trường của Hoa Kỳ và các nước phương Tây hoàn toàn tương phản với các quan điểm vừa kể. Đại sứ Susan Rice của Hoa Kỳ nói rằng chính phủ Syria thực hiện những hành vi bạo động vô cớ chống lại chính nhân dân của họ.
Bà Rice nói: "Chính phủ Syria phải chấm dứt việc bắt bớ tùy tiện, giam giữ và tra tấn thường dân, nhất là các nhà báo và nhà hoạt động tích cực. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Syria cho phép báo chí, kể các các nhà báo nước ngoài, cũng như các nhà quan sát nhân quyền xác minh các sự kiện này một cách độc lập ngay tại hiện trường."
Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc đặc trách các vấn đề chính trị Lynn Pascoe trích lời những người biểu tình Syria nói rằng các biện pháp cải cách của chính phủ Syria quá ít và quá chậm trễ. Ông Pascoe lưu ý rằng "tình trạng giống như bị vây hãm" làm cho việc kiểm chứng các thông tin trở nên rất khó khăn.
Tuy nhiên, ông Pascoe nói rằng dựa theo các nguồn tin được Liên hiệp quốc cho là đáng tin cậy, đã xảy ra những vụ pháo kích vào thường dân không vũ khí, những vụ lục soát từng nhà để bắt bớ, và các nhân viên y tế bị bắn khi đang cứu chữa những người bị thương. Ông Pascoe nói tiếp rằng tình hình nhân đạo hình như cũng đang xuống cấp.
Ông Pascoe cho biết: "Lo ngại đang ngày càng gia tăng về tình trạng an toàn nói chung của người dân, trong đó có việc người dân không tiếp cận được với dịch vụ y tế và các dịch vụ khác, và tại một số thành phố dân chúng bị thiếu lương thực và nước uống."
Ông Pascoe nói rằng có đến 400 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động lan rộng khắp Syria. Đại diện của Nga, Trung Quốc và Syria nói rằng trong số người thiệt mạng có cả nhân viên của các lực lượng an ninh của chính phủ bị các phần tử cực đoan giết chết.
Đại sứ Susan Rice của Hoa Kỳ nói rằng những hành động tàn ác tại Syria không phải là những hành động của một chính phủ có trách nhiệm hay của một thành viên khả tín của cộng đồng quốc tế. Bà nói thêm rằng lời nói phải đi đôi hành động để bảo đảm là cải cách thực sự đang diễn ra tại Syria.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) bác bỏ một nghị quyết lên án tình trạng bạo động đang tiếp diễn tại Syria vốn đã giết chết mấy trăm người. Thông tín viên Peter Fedynsky của đài VOA tường trình rằng Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn tuyên bố được Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đề nghị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1