Trong thời đại khủng bố toàn cầu, các nước phải đối xử như thế nào với những tù nhân tuyên bố tranh đấu cho một ý thức hệ tôn giáo và không trung thành với một quốc gia cụ thể nào?
Câu hỏi này đã gây khó khăn không ít cho các chính quyền và các tổ chức bênh vực nhân quyền, và là trọng tâm của một phúc trình Liên hiệp quốc sắp sửa công bố.
Ông Manfred Nowak Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về vấn đề nhân quyền nói:
“Trọng tâm chủ yếu của phúc trình là Hoa Kỳ, bởi vì nước này đã triển khai một chương trình hết sức tinh vi để thực hiện những chuyến bay đặc biệt chở một số nghi can khủng bố. Những người này bị bắt cóc vì bị tình nghi là khủng bố. Họ được đưa lên máy bay đưa sang nhiều nước khác, bị giam giữ tại những địa điểm bí mật, hầu có thể khai thác thông tin về các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra trong tương lai.”
Ông Nowak đặc biệt phê phán các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Bush. Ông nói rằng nước Mỹ đã dẫn đầu công cuộc chống khủng bố sau năm 2001, và đã vi phạm luật quốc tế cũng như luật Hoa Kỳ .
Ông Nowak nói: “Làm mất tích và tra tấn được coi là những tội ác theo luật quốc nội của Hoa Kỳ. Cho nên, trên cơ sở những phát giác và những cuộc điều tra trong nước, cần phải có hành động đích đáng đối với những kẻ tội phạm và những thượng cấp đã bí mật ra lệnh bắt giữ và tra vấn . “
Đối với ông Nowak, công lý có nghĩa là án tù. Phúc trình của Liên Hiệp Quốc vạch rõ là những vụ bí mật bắt giữ và hành hạ người bị bắt giữ là hiện tượng phổ biến trên thế giới.
Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một danh mục những nước hành hạ, tra tấn các tù nhân, và điều đó đã gây ra phản ứng ngược. Nhiều quốc gia Hồi giáo và châu Phi, cũng như nước Nga, nói rằng bản phúc trình không chính xác, và tác giả bản phúc trình không có nhiệm vụ hoặc thẩm quyền viết nó. Việc thảo luận liên quan đến bản phúc trình này đã được dời lại đến tháng 6.
Tại Mỹ, một số giới chức thuộc chính quyền cựu Tổng thống Bush tỏ ý coi thường bộ phận nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và bác bỏ những cáo buộc của tổ chức này.
Ông John Bolton, từng là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc từ 2005 tới 2006, nhận định:
“Khái niệm theo đó luật quốc tế không chấp nhận các trung tâm giam giữ bởi nó vi phạm luật quốc tế cách này hay cách khác thì khái niệm này chỉ là một tưởng tượng viển vông của những mang ý thức hệ thiên tả ngồi trong tháp ngà, và cần phải được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác bỏ, và thật ra, hội đồng này chỉ nên tập trung vào những sự vi phạm nhân quyền của những nước chẳng hạn như Iran, Bắc Triều Tiên và Miến Điện .”
Ông Bolton nói việc trấn nước và những kỹ thuật hỏi cung gây tranh cãi khác có thể có và cũng có thể không được coi là tra tấn, thùy theo cách sử dụng. Ông nói thêm, chính quyền Tổng thống Bush đã cố gắng rất nhiều để đánh giá những kỹ thuật đó và phòng tránh việc tra tấn.
Ông Bolton nói: “Người ta nói rằng chúng tôi, nghĩa là chính quyền Mỹ, tra tấn những “tên khủng bố tội nghiệp” mà chúng tôi bắt giữ. Người ta bảo rằng chúng tôi đặt chúng lên bàn, rút móng tay chúng ra, lấy vật nhọn đâm chúng tất cả những điều đó đều không đúng, không có chút sự thực nào."
Ông Bolton nói thêm rằng nếu như phúc trình của Liên Hiệp Quốc được đưa ra, phúc trình đó sẽ không có ảnh hưởng pháp lý gì trong nội địa nước Mỹ.
Về phía các nhóm nhân quyền, họ nói dù sau cùng có ai bị truy tố hay không, thì đưa những vụ hành hạ ra trước ánh sáng cũng sẽ tạo khó khăn hơn cho những chính quyền muốn sử dụng các biện pháp tra tấn.
Hội Đồng nhân quyền Liên hiệp quốc đã dời lại việc thảo luận một phúc trình mạnh mẽ đả kích một số nước về việc giam giữ bí mật các nghi can khủng bố. Một trong các tác giả của phúc trình này nói với đài VOA rằng các giới chức chính phủ tại Hoa Kỳ và một số nước khác đã ra lệnh giam giữ bí mật các nghi can khủng bố phải bị truy tố và tống giam.
Đọc nhiều nhất
1